‘Chưa có quy định nào quản lý cửa hàng tiện lợi’
Chuyên gia thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú. Ảnh: ANTV. |
Trước thông tin chuỗi cửa hàng tiện lợi số một Nhật Bản 7-Eleven sắp đổ bộ vào Việt Nam, thị trường bán lẻ càng thêm xôn xao. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, vấn đề quản lý thị trường này dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Trao đổi với VietnamBiz, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết: “Hiện nay, cả nước có 2.500 cửa hàng tiện lợi, con số này vẫn tăng lên từng ngày. Dù vậy, vẫn chưa có bất cứ văn bản pháp lý nào quy định về chất lượng hàng hóa, hóa đơn, chứng từ, cũng như chất lượng nhân viên phục vụ… của các đơn vị này”.
Ông Phú đề xuất, trên cơ sở phân loại cửa hàng tiện lợi, đại siêu thị, siêu thị mini, bách hóa…, Nhà nước cần ban hành chính sách thuế phù hợp, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch cho các bên tham gia thị trường bán lẻ, tránh cho doanh nghiệp những sự đầu tư lãng phí.
Theo ông, Nhà nước phải có quy định làm cơ sở để Bộ Công Thương, Bộ Khoa học – Công nghệ, Sở Y tế, UBND các quận, phường cùng tham gia vào công tác quản lý, quy hoạch phát triển.
“Địa phương cần quy định rõ mỗi phố được phép mở bao nhiêu cửa hàng tiện lợi, tránh trường hợp chỉ 700m đường mà có đến 3 cửa hàng tiện lợi như ở phố Thái Thịnh, Hà Nội”, ông Phú nêu ví dụ cụ thể.
Mặc dù Hà Nội và TP HCM là hai địa bàn có sức mua rất lớn, nhưng sự ra đời của hàng loạt các chuỗi cửa hàng tiện lợi vẫn khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn. Với mức sống dần nâng cao, người dân có xu hướng lựa chọn nguồn cung ứng hàng hóa đảm bảo cả về chất lượng, giá cả, trong đó cửa hàng tiện lợi là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Trong các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang nổi lên một số cái tên lớn như Vinmart, FamilyMart, B’s Mart, Circle K, Ministop, Shop & go…, phân bố rải rác rộng khắp nội thành Hà Nội và TP HCM.
Trong số đó, khác với Vinmart+, FamilyMart chỉ cung cấp các sản phẩm hàng hóa với quy mô nhỏ như một siêu thị mini, Circle K, Ministop, Shop & go lại có thêm ưu thế khi đầu tư không gian cho khách hàng ngồi nghỉ ngơi hoặc làm việc.
Mặc dù là một mô hình kinh doanh xuất hiện sau, cửa hàng tiện lợi lại giữ cho mình những đặc trưng riêng, mang ưu thế cạnh tranh hơn hẳn so với các đối thủ trong hệ thống bán lẻ.
Với diện tích chỉ từ 50 – 200 m2, cửa hàng tiện lợi đang từng bước len lỏi vào sâu trong các ngõ ngách, khu đông dân. Thời gian mở cửa 24/7, hầu hết cửa hàng luôn luôn sáng đèn chào đón khách bất cứ lúc nào, kể cả ngày nghỉ lễ.
Tại đây, khách dễ dàng mua được các món đồ ăn nhanh để sử dụng tại chỗ hoặc mang đi như mì gói, bánh mì, gà, trứng chiên, bánh bao… Đặc biệt, với bàn ghế, wifi sẵn có, không gian trong chuỗi cửa hàng tiện lợi được coi là lý tưởng để khách hàng ngồi thư giãn hoặc làm việc với chi phí rẻ hơn nhiều lần các quán cà phê.
So với TP HCM, thị trường bán lẻ dành cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại thủ đô còn rất rộng lớn (Hà Nội hiện có khoảng 600 cửa hàng tiện lợi). Theo ông Phú, điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm phát triển mô hình kinh doanh này đi đúng hướng.