|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch Vietravel mong muốn Luật Đất đai quan tâm hơn đến các dự án du lịch

20:09 | 15/11/2023
Chia sẻ
Đại diện Vietravel cho rằng Luật Đất đai cần quan tâm bổ sung vấn đề du lịch, phát triển các khu du lịch bởi hiện nay Luật Đất đai đang bỏ sót phần này.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững sáng nay (15/11), ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, Mã: VTR) đã đề xuất một số kiến nghị.

Thứ nhất, vị này đề nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển du lịch. Về Luật Du lịch, phải xem xét lại một số điều của luật, trong đó có Điều 9, Điều 15 – hai điều về quản lý khách du lịch hiện nay đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch phát triển.

"Nếu chúng ta không thay đổi ngay hai điều về quản lý khách, tôi đảm bảo các doanh nghiệp du lịch, kể cả doanh nghiệp, tập đoàn du lịch lớn ngày mai có thể bị đóng cửa ngay. Các doanh nghiệp không ai muốn khách trốn ở nước ngoài, quản lý rất chặt chẽ, nhưng chúng ta không thể ở với khách cả ngày cả đêm được. Khách trốn chỉ là tai nạn. Chúng ta đánh giá rằng, quản lý tốt mà khách trốn thì phải xem xét. Hiện nay quy định rất chặt và quy định này gây ra khủng hoảng cho doanh nghiệp ngay lập tức", ông Kỳ nói.

Thứ hai, đại diện Vietravel cho rằng Luật Đất đai cần quan tâm bổ sung vấn đề du lịch, phát triển các khu du lịch bởi hiện nay Luật Đất đai đang bỏ sót phần du lịch. "Dự thảo đang được trình Quốc hội, chúng tôi đề nghị xem xét để tránh việc bỏ sót", vị này nói.

Thứ ba, theo ông Kỳ, Nghị định 132/2020 của Chính phủ về khống chế mức trần lãi vay hiện nay gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn. "Ngân hàng có hoạt động chuyển đổi rất tốt, thúc đẩy doanh nghiệp du lịch tiếp cận vốn, tuy nhiên Nghị định 132 nếu áp mức trần 30% như hiện nay vô hình trung các doanh nghiệp đều bị vướng", ông cho hay.

Điều 79 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, nhưng không có các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí. 

Do đó, dự án du lịch, vui chơi, giải trí không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất tại điểm b khoản 1 Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất tại khoản 2, khoản 3 Điều 125 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đây cũng là vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra ngày 3/11 vừa qua.

Nhiều đại biểu thống nhất với nội dung bổ sung quy định cho phép Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp dự án đã được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng quy định này, phải đưa đất phát triển khu du lịch dịch vụ vào trong trường hợp phải được thu hồi đất, làm rõ các trường hợp thu hồi đất được quy định tại Điều 79 của dự thảo luật.

Công Tâm