Chủ tịch VCCI: 'Ngoài thoái vốn Nhà nước cần thoái sức ra khỏi dịch vụ công'
|
"'Điểm nhấn' trong hội nghị năm nay là Chính phủ, các địa phương sốt sắng thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tuy vậy, cần tránh nhà nước can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính vào thị trường. Nếu không, chính doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu những hệ lụy", Chủ tịch VCCI, Vũ Tiến Lộc chia sẻ tại buổi họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 chiều ngày 8/5.
Theo ông Lộc trợ giúp các doanh nghiệp phát triển cần rà soát các luật, bằng các biện pháp thúc đẩy thị trường thay vì hành chính hóa hệ thống dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
"Nếu quy định không rõ sẽ thành nhà nước đứng ra làm tất, từ đào tạo doanh nghiệp tới xúc tiến thương mại, thúc đẩy thị trường. Nhà nước hỗ trợ nhưng không được làm thay. Phải để xã hội và thị trường tự phát triển", ông Lộc phân tích.
Ông đưa ra giải pháp cần phải xã hội hóa các dịch vụ công. Hiện nay, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu nhưng nhà nước, các cơ quan, công chức không trực tiếp đứng ra làm. Thay vào đó, cần hỗ trợ để thị trường, các hiệp hội, công ty tư vấn thực hiện. "Nhà nước ngoài thoái vốn khỏi các doanh nghiệp, cần thoái sức ra khỏi dịch vụ công", Chủ tịch VCCI khuyến nghị.
Cũng trong buổi họp báo, một câu hỏi được đặt ra về vấn đề cơ quan nhà nước đang hỗ trợ trước mắt, bằng biện pháp hành chính, chưa có chính sách căn cơ cho phát triển trong vụ việc "giải cứu ngành chăn nuôi lợn" thời gian vừa qua.
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hồ Sĩ Hùng cho biết, việc hỗ trợ một số lĩnh vực như chăn nuôi bằng các giải pháp tình huống như hỗ trợ tiêu thụ, kêu gọi tiêu thụ bằng hành chính vừa qua là ngắn hạn, vẫn phải có.
Các giải pháp căn cơ để phát triển ngành này, giải quyết tình trạng phụ thuộc vào việc nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc được Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ ra như Nhà nước đang xúc tiến để có thị trường chính ngạch cho xuất khẩu thịt lợn. Tuy vậy, theo ông Hà, tạm thời mới chỉ có thể giải quyết như hiện nay, để có thị trường chính ngạch cần thời gian, không thể nào dùng biện pháp hành chính tác động cơ học lên chính sách này ngay được.
"Hỗ trợ căn cơ lâu dài là đưa ra các con số, xu hướng để từ đó người kinh doanh tự đưa ra các quyết định về mục tiêu kinh doanh chứ không phải nhà nước chỉ ra các định mức sản xuất", ông Hồ Sỹ Hùng góp ý. Ông Hùng đưa ra ví dụ cho chính trường hợp ngành chăn nuôi lợn. Các cơ quan hải quan đều có thông tin, số liệu xuất nhập khẩu của ngành hàng qua cửa khẩu, từ những số liệu thu thập được có thể nhìn thấy xu hướng của thị trường, liên kết các thông tin định hướng, đưa ra các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Theo ông, đây chính là điều thị trường và các doanh nghiệp cần ở cơ quan nhà nước.