|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chủ tịch Trung Quốc: Kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ

06:54 | 05/09/2016
Chia sẻ
Kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa bởi tình trạng bảo hộ gia tăng và những nguy cơ tới từ các thị trường tài chính có đòn bẩy cao, Reuters dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu mở màn phiên họp thượng đỉnh 2 ngày của lãnh đạo các nền kinh tế G20.

Nền kinh tế toàn cầu đã bước vào "một thời điểm quan trọng", ông Tập phát biểu, khi đối mặt với nhu cầu suy giảm, các thị trường tài chính bất ổn, thương mại và đầu tư yếu ớt.

Theo Chủ tịch Trung Quốc, các động lực tăng trưởng từ đợt cải tiến công nghệ trước đang dần mờ nhạt, trong khi một cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ mới chưa có được đà tăng.

Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi các nước G20 hành động như những tuyên bố đã đưa ra. "Chúng ta nên biến nhóm G20 thành một nhóm hành động, thay vì một nhóm trao đổi", ông Tập nói.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo G20 đã bắt đầu chỉ ra những tranh chấp về nhiều vấn đề khác nhau, từ thương mại, đầu tư tới chính sách thuế và tình trạng năng suất công nghiệp dư thừa.

Hôm qua, Chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và cho biết hy vọng rằng Australia sẽ tiếp tục cung cấp một môi trường chính sách công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tháng trước, Trung Quốc đã giận dữ khi Australia hủy bỏ việc bán 7,7 tỷ USD cổ phần của doanh nghiệp cung cấp điện lớn nhất nước này cho các nhà thầu Trung Quốc. Trung Quốc đã cáo buộc Australia bảo hộ khi ngăn chặn việc đấu thầu tại Ausgrid, cũng như trước đó ngăn một tập đoàn Trung Quốc mua công ty gia súc Kidman & Co.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng Trung Quốc phải thiết lập cơ chế để giải quyết tình trạng năng suất công nghiệp dư thừa, cho rằng điều đó không thể chấp nhận được khi ngành thép châu Âu đã mất quá nhiều việc làm trong những năm gần đây.

Theo ông Juncker, năng suất công nghiệp dư thừa là một vấn đề toàn cầu nhưng đặc biệt là ở Trung Quốc.

Các nền kinh tế G20 dự kiến sẽ nhất trí đưa ra một tuyên bố chung vào cuối hội nghị lần này rằng tất cả các biện pháp chính sách, bao gồm cải cách cấu trúc, tài khóa và tiền tệ, nên được sử dụng để đạt được sự tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, cân bằng và toàn diện, Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda tiết lộ với báo giới bên lề hội nghị.

Cảnh báo của ông Tập đưa ra sau cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama, được tổng thống Mỹ miên tả là "cực kỳ hiệu quả", tuy nhiên thất bại trong việc mang hai bên tiến lại gần hơn trong các chủ đề gai góc như căng thẳng trên Biển Đông.

Hội nghị diễn ra sau cuộc bỏ phiếu rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) của Anh trong tháng 6 và trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11, các nhà quan sát kỳ vọng lãnh đạo các nền kinh tế G20 sẽ tiến tới thống nhất bảo vệ thương mại tự do, toàn cầu hóa và cảnh báo chống lại chủ nghĩa cô lập.

Phương Tuyền