Chủ tịch Tổng hội xây dựng muốn giao quyền sở hữu đất cho gia đình, cá nhân
Dự án khu đô thị Thủ Thiêm (TPHCM) - một "điểm nóng" về thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Ảnh:TL |
Từ đầu năm 2018, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp nhiệm vụ lấy ý kiến và sửa những quy định, bất câp, chồng chéo liên quan đến việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Để làm được điều này, Bộ Tư pháp và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến cho việc sửa luật,dù Luật đai mới được sửa đổi 5 năm trước (2013).
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đưa ra một đề nghị rất đáng chú ý liên quan đến quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân và do Nhà nước đại diện sở hữu là theo luật hiện hành. Nhưng vấn đề phân biệt quyền sở hữu và quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất (điều 179 Luật đất đai) lại giao cho gia đình, cá nhân tất cả các quyền của người sở hữu. Đó là quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, kế thừa, tặng, cho, thế chấp, góp vốn.
"Có nên sửa đổi theo hướng giao quyền sở hữu đất cho gia đình, cá nhân không? Đây là quyền sở hữu đất gắn liền với nhà ở, không bao gồm đất giao để sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản”, ông Hùng đề nghị. Và nhấn mạnh rằng việc này sẽ tác động trực tiếp đến hàng chục triệu hộ gia đình, có ý nghĩa chính trị xã hội rất lớn đồng thời tránh được hiện tượng tùy tiện trong việc giải quyết tranh chấp, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng chung quan điểm này. Ông cho rằng mấu chốt của vấn đề là quyền sở hữu tài sản. Thực tế người dân mua bán, chuyển nhượng là thực hiện các quyền tài sản nhưng lại dùng từ ngữ như chuyển quyền sử dụng là không đúng. Tương tự như thế chấp quyền sử dụng đất trong kinh doanh thì bản chất là thế chấp đất chứ không thể phân biệt được nhưng vẫn phải dùng.
Theo ông Hùng, nếu không sửa vấn đề nêu trên thì các hệ lụy hiện tại vẫn còn nguyên. Như quy định Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội (trong trường hợp cần thiết) do luật định. Nhưng khi đưa vào điều 62 Luật đất đai thì “trường hợp thật cần thiết” đã không đảm bảo cả nội dung và hình thức. Nhất là trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị mới hay dự án trụ sở các cơ quan, công trình di tích, phúc lợi xã hội...
Ông Hùng cho rằng các dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình di tích danh lam để xếp hạng, quảng trường, tượng đài là không thật cần thiết bởi đã có những dự án mà lợi ích nhóm lợi dụng kẽ hở để xây dựng các dự án phục vụ cho một nhóm lợi ích và không đúng như luật định. Nhất là các dự án khu đô thị mới hay các dự án có tên chỉnh trang đô thị vẫn thu hồi đất. Ông lấy ví dụ các dự án đất công, kho tàng, bến bãi thu hồi làm các khu đô thị như khu đất nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, cơ khí Quang Trung (Hà Nội)... Ở đây, chênh lệch địa tô (Nhà nước đền bù, tính chuyển quyền theo giá thấp và nhà đầu tư bán bất động sản theo giá thị trường rất cao).
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng tiếp tục chỉ ra: trình tự thủ tục thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội và việc cưỡng chế thực hiện đã gộp các loại hình thu hồi trên vào cùng phương thức là bất hợp lý.
Ngay cả mục đích phát triển kinh tế - xã hội cũng cần phân loại mục đích phát triển kinh tế và mục đích xã hội. Do vậy muốn sửa Luật đất đai phải có tiêu chí thế nào là thật sự cần thiết và lợi ích cộng đồng mới được đưa vào diện thu hồi đất để tránh tính trạng chiếm đoạt lợi ích của nhóm hộ gia đình, giao đất cho chủ đầu tư khác chiếm quyền sử dụng để kinh doanh kiếm lời.