Chủ tịch Nguyễn Đức Chung lo Hà Nội thiếu điện từ 2020
Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, nếu các dự án điện không được triển khai đúng tiến độ, thì từ 2020 Hà Nội có thể bị thiếu điện |
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ Công Thương, EVN cần đẩy nhanh tiến độ thi công các đường dây truyền tải và trạm biến áp vì nếu không, với tình hình hiện nay, nếu làm kịp thì đến 2020-2021 là Hà Nội sẽ rơi vào cảnh thiếu điện.
Ông Chung đề nghị có cơ chế với các dự án năng lượng tái tạo liên quan đồng thời ưu tiên mua điện giá cao hơn từ các nhà máy rác, đốt rác. Cụ thể, giá điện có thể cao hơn giá mua lại từ nhà máy phát điện từ nguồn hoá thạch, thì mới khuyến khích sử dụng điện từ nguồn tái tạo.
Về mục tiêu và nhiệm vụ của ngành công thương năm 2019, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận những bước tiến vượt bậc về chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam với mức tăng 37 bậc, đứng top khu vực ASEAN. Đây là điều bất ngờ. Chúng ta tự hào là nước có chỉ số điện năng tăng nhanh nhất.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải đảm bảo điện cho các thập niên tới. “Bộ Công Thương, EVN không thể báo mất điện, thiếu điện. Anh nào để mất điện, cắt chức anh ý luôn”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương và EVN cần có sự chuẩn bị dài hơi trong giai đoạn từ 2020-2030, không để nước đến chân mới nhảy trong đảm bảo điện cho nền kinh tế. Cùng đó, không để mất bò mới lo làm chuồng trong đảm bảo năng lượng. Bộ Công Thương phải coi đây là nhiệm vụ của ngành để thực hiện.
Thủ tướng cũng cho rằng một số nhiệm vụ của ngành công thương chưa rõ nét. Bộ Công Thương cần công bố quy hoạch rõ ràng về phát triển điện lực, không để tình trạng xin cho trong quy hoạch phát triển điện lực.
Kiến nghị cho DN tư nhân được chia lửa trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Lê Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội Geleximco, cho rằng doanh nghiệp tư nhân có vai trò ngày càng lớn cho nền kinh tế, nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo ông Lâm, Geleximco chính thức đưa vào vận hành thương mại nhà máy nhiệt điện Thăng Long từ tháng 7/2018. Đây là dự án điện do tư nhân đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, sử dụng công nghệ hiện đại, không bị đội vốn đầu tư, vận hành ổn định, công suất vượt định mức... Tuy nhiên, để dự án này đi vào hoạt động, Geleximco phải mất tới 10 năm để làm các thủ tục xin cấp phép đầu tư, giải phóng mặt bằng, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí, trong khi bản thân việc xây dựng chỉ có 3 năm.
"Tư nhân đầu tư nghiêm túc, nhưng chưa đủ mà cần có cơ chế chính sách, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bộ ngành, chính quyền địa phương. Do đó, chúng tôi kiến nghị quan tâm hơn, cụ thể hơn giải pháp nhằm sửa đổi, đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp phép cho tư nhân được đầu tư vào công trình dự án quan trọng. Khi nguy cơ thiếu điện là hiện hữu, doanh nghiệp nhà nước không thể triển khai nhanh, thì cần khai thác nguồn lực tư nhân ", ông Lâm nói.
Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức cuối 2018, để bàn về việc phát triển năng lượng bền vững. Ông Lê Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cảnh báo, Việt Nam có thể sẽ đối mặt việc thiếu nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước và sẽ phải phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng cũng đang là một sức ép lớn và nếu không giải quyết sớm Việt Nam sẽ đối mặt những khó khăn trong đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, nguy cơ thiếu điện sau năm 2020 với Việt Nam là hiện hữu. Nguy cơ này có thể sẽ trầm trọng hơn nếu tăng trưởng phụ tải điện cao hơn mức dự báo, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn cấp khí đang chậm tiến độ và lượng nước về các hồ thuỷ điện giảm dần so với trung bình nhiều năm.