|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu bác bỏ cáo buộc thao túng tiền tệ của ông Trump

11:17 | 02/10/2019
Chia sẻ
"Thao túng tiền tệ" có lẽ là một trong những cáo buộc đình đám nhất trong năm 2019 khi ngay cả ECB cũng mắc phải bê bối này.

20170925PHT84622_original

Chủ tịch ECB Mario Draghi (Nguồn: europa.eu)

Do đồng euro đã giảm xuống một mức thấp kỉ lục mới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định chính sách ngửa bài, công khai với thị trường bất cứ can thiệp nào tới ngoại hối. Đến nay, không có nhiều thông tin về động thái này.

Trong bối cảnh Mỹ lên tiếng chỉ trích ECB đang phá giá đồng euro, ngân hàng này cho biết họ sẽ công bố dữ liệu hàng quí thường xuyên sau ba tháng chậm trễ kể từ tháng 4 vừa qua tăng cường trách nhiệm. Theo truyền thống, các can thiệp như vậy thường được giữ bí mật chặt chẽ.

"Hành động này vượt xa những yêu cầu trong Hiệp ước về chức năng của Liên minh châu Âu", ngân hàng tuyên bố vào ngày 27/9 vừa qua.

Tính minh bạch mới cũng có thể bổ sung thêm chức năng kỉ luật vốn quan trọng trong ngành tài chính. 

Các ngân hàng trung ương (NHTW) chủ yếu hoạt động tại các nền kinh tế phát triển như ECB hiếm khi can thiệp trực tiếp vào việc mua bán tiền tệ ngoài cuộc khủng hoảng và bất cứ dữ liệu nào cho thấy Frankfurt từng sử dụng biện pháp như vậy có thể trở thành dấu hiệu cảnh báo của các nhà đầu tư cũng như các nhà giao dịch ngoại hối.

Trong thông báo, ECB cũng tiết lộ họ chỉ can thiệp mạnh trong hai lần. Lần đầu tiên là vào năm 2000 để ủng hộ đồng euro, ban đầu là phối hợp với các quốc gia G7 khác và sau đó là đơn phương. 

Lần thứ hai, ECB đã tham gia cùng một số NHTW khác trong việc hạ giá đồng yen để hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản sau thảm họa hạt nhân Fukushima vào năm 2011.

Mỗi lần xác nhận về động thái của mình, ECB không bao giờ cung cấp thông tin về thời gian hoặc mức độ can thiệp trong các báo cáo hàng năm. Chính sách mới giờ đây sẽ bao gồm thông tin về các chính sách liên quan đến tiền tệ và do đó, các nhà kinh tế cuối cùng cũng có thể tìm hiểu mức độ ECB sẵn sàng "ra tay".

Khi áp dụng biện pháp này, ECB đang đi theo con đường của một số quốc gia lân cận. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, vốn cởi mở về chính sách hạ giá đồng franc, công bố dữ liệu này mỗi năm một lần. Trong khi đó, NHTW Anh xuất bản các báo cáo hàng tháng về những can thiệp của họ vào thị trường.

Kết quả cuối cùng cho thấy các ngân hàng trung ương chỉ tham gia vào thị trường tiền tệ một cách khiêm tốn và ít hơn nhiều so với các đối tác thương mại khác. 

Đồng Euro đã chạm mức thấp nhất trong 29 tháng vào ngày 1/10, xuống dưới 1,09 USD. Những rắc rối của đồng euro phản ánh dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế của khu vực dùng đồng euro thay vì hậu quả của một NHTW đang tích cực giảm giá tiền tệ với hi vọng thúc đẩy sản lượng kinh tế .

Carsten Brzeski, kinh tế trưởng của ING Đức, cho rằng dữ liệu này chắc chắn sẽ thú vị theo góc độ lịch sử nhưng cũng đề cập đến các lợi ích chính trị của giới tinh hoa.

"Biện pháp này đã chống lại mọi cáo buộc rằng Châu Âu là một liên minh thao túng tiền tệ của các nhà phê bình vì dữ liệu sẽ được công khai với mọi người", Brzeski nói với Fortune.

Động thái này được đưa ra sau khi ECB cố gắng phản ánh triển vọng kinh tế của khu vực dùng đồng euro bằng cách tăng mức phạt đối với các ngân hàng thương mại có khoản dự trữ vượt mức quy định và tái khởi động chương trình mua tài sản (APP). Bắt đầu từ tháng 11, ECB đặt mục tiêu bơm 20 tỉ euro vào nền kinh tế mỗi tháng với hi vọng thúc đẩy tăng trưởng cho vay.

Vào thời kì đỉnh cao, ECB từng thu về 80 tỉ euro tiền mới mỗi tháng để mua chứng khoán trong năm 2016. Chính sách này đã chấm dứt vào tháng 12/2018 nhưng ngân hàng đã kịp tích lũy được 2,65 nghìn tỉ euro tài sản. Nguyên tắc tích lũy vẫn tiếp tục tái đầu tư để mở rộng bảng kế toán.

Đồng euro đã tăng nhẹ so với mức thấp trong năm 2016 nhưng kể từ đó đã giảm liên tục trong 20 tháng qua khi triển vọng toàn khối thương mại xấu đi do chiến tranh thương mại lan ra toàn cầu.

Tuy nhiên, lời giải thích đó dường như không thỏa mãn nhà phê bình lớn nhất của đồng euro là Tổng thống Donald Trump.

Gần như ngay lập tức sau khi Frankfurt tuyên bố ý định nới lỏng định lượng, ông Trump đã đả kích tổ chức này: "Họ (ECB) đang cố gắng và thành công trong việc giảm giá đồng euro so với đồng USD vốn đang rất mạnh, làm tổn thương ngành xuất khẩu của Mỹ trong khi Fed chỉ biết ngồi, ngồi và ngồi".

Chủ tịch ECB Mario Draghi đã bác bỏ cáo buộc của ông Trump, tuyên bố bản thân đang chống lại việc hạ giá đồng euro tại cuộc họp báo sau đó, nói với các phóng viên rằng ngân hàng có nhiệm vụ theo đuổi chính sách bình ổn giá: "Chúng tôi không nhắm tới tỉ giá hối đoái".

Dòng đầu tiên trong thông cáo báo chí của ECB đã khẳng định biện pháp minh bạch mới sẽ làm rõ điều này: "Tỷ giá hối đoái không phải là mục tiêu chính sách của ECB".

Thu Phương