VCBS: Ngành ngân hàng cần 6 - 7 năm nữa xử lý nợ xấu
Cần nhiều thời gian và phương pháp hiệu quả hơn để giải quyết nợ xấu
Theo VCBS, quá trình giải quyết nợ xấu đã kéo dài nhiều năm mà chưa có biện pháp triệt để. Nguồn lực xử lý nợ xấu chính là trích lập lợi nhuận từ các ngân hàng.
Trung bình mỗi năm, hệ thống trích lập 80.000 - 90.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục biện pháp này, ngành ngân hàng sẽ cần 6 - 7 năm nữa số dư nợ xấu hiện tại mới xử lý xong.
Ở thời điểm hiện tại, sau quá trình hợp nhất hoặc tự tái cơ cấu, số dư nợ xấu tập trung chính trong 1 nhóm ngân hàng. Theo VCBS, nợ xấu tại 7 ngân hàng chiếm tới trên 50% tổng nợ xấu toàn hệ thống.
VCBS cho rằng đã đến lúc NHNN áp dụng các chế tài riêng để xử lý nợ xấu, thay vì duy trì nguồn ngân sách hạn hẹp dẫn tới hiệu quả hạn chế như đã thực hiện trong 4 năm vừa qua.
Năm 2017, bức tranh lợi nhuận toàn ngành sẽ tiếp tục phân hóa
Cũng liên quan tới nợ xấu, theo VCBS, biện pháp chính để xử lý nợ xấu hiện nay là các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý, đặc biệt thông qua trích lập dự phòng. Năm 2017 là năm thứ 4 các TCTD thực hiện trích lập 20% giá trị trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC.
Theo VCBS, các TCTD có số dư trái phiếu đặc biệt lớn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chi phí dự phòng. Ngược lại, một số ít các TCTD có chế độ quản trị rủi ro tốt và đã quyết liệt xử lý nợ quá khứ sẽ giảm trích lập và đi lên.
Do đó, VCBS dự báo, bức tranh toàn ngành ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục chứng kiến sự phân hóa lợi nhuận trong năm 2017.
Thực tế trên được chứng minh thông qua kết quả kinh doanh các ngân hàng trong 3 quý đầu năm 2016. Lợi nhuận phần lớn ngành chịu tác động tiêu cực từ dự phòng lớn. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) giảm do thoái thu lãi và xu hướng lãi suất bất lợi (huy động tăng, cho vay giảm).
Mặc dù xu hướng chung tiêu cực, toàn ngành có sự phân hóa lợi nhuận lớn. Chỉ 1 số ít các ngân hàng như Vietcombank, ACB đã quyết liệt trong giải quyết nợ quá khứ, có sự cải thiện tích cực về hiệu quả kinh doanh.
Còn lại, một số ngân hàng, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế tăng không nhiều, thậm chí ghi nhận các khoản lỗ như Eximbank, Sacombank. Tính trung bình lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành giảm 7,8%.
Các chỉ tiêu kinh doanh trong Quý III/2016 tại một số NHTM |
Thí điểm Basel II là trọng tâm ngành ngân hàng trong năm 2017
VCBS tính toán rằng để tạo ra mức tăng 1% tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), các ngân hàng cần huy động thêm 10 - 15% vốn tự có. Theo đó, áp lực cho vấn đề tăng vốn trong năm 2017 là rất lớn.
Theo quan sát của VCBS, trong số 10 ngân hàng tham gia thí điểm Basel II, nhóm ngân hàng TMCP có khả năng đáp ứng tốt hơn do đã có hệ số CAR cao đáng kể so với mức quy định là 9% như ACB, VIB, Techcombank.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước sẽ chịu áp lực tăng vốn lớn và điều quan trọng là thành công hay thất bại của việc áp dụng tiêu chuẩn mới cũng phụ thuộc chủ yếu vào 3 ngân hàng này.
VCBS cho rằng để cải thiện tỷ lệ CAR theo quy định của Basel II, hiện nay, hầu hết các ngân hàng vẫn đang áp dụng biện pháp ngắn hạn là tăng vốn cấp 2 bằng phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, theo VCBS, biện pháp này chỉ giúp các ngân hàng giải quyết tình thế trong 1-2 năm. Hơn nữa, chi phí vốn tại các ngân hàng phát hành chịu áp lực tăng, do lãi suất trái phiếu cao hơn 1 - 2% lãi suất huy động thông thường.
Như vậy, để đảm bảo tỷ lệ CAR, một mặt các ngân hàng chịu áp lực tăng vốn, mặt khác lại phải hạn chế tín dụng và chấp nhận chi phí vốn tăng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trường toàn ngành.
Với những điều kiện như trên, VCBS dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2017 chỉ ước đạt 16%.