Capital Economics: Bùng nổ tín dụng là “mầm mống khủng khoảng” tại Việt Nam
GDP Việt Nam có khả năng tăng trưởng 6,3% trong quý IV. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, đây sẽ là năm đầu tiên Việt Nam giảm tốc độ tăng trưởng kể từ năm 2012, không đạt mục tiêu 7% đề ra.
Đà giảm tốc phản ánh tác hại của đợt hạn hán tồi tệ nhất gần 100 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hãng nghiên cứu Capital Economics tỏ ra lạc quan vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong 2017, với mức tăng trưởng cả năm đạt 7%.
Điều mà hãng này lo ngại chính là chính sách tiền tệ quá nới lỏng, cụ thể là tốc độ tăng trưởng tín dụng nóng. Capital Economics cho đây là “mầm mống của đợt khủng hoảng tiếp theo”.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực tư nhân tăng trưởng mấp mé 20% trong cả năm 2016. “Quy mô đợt bùng nổ tín dụng mà Việt Nam đang trải qua không bền vững trong dài hạn”, do đó một đợt nợ xấu tăng vọt nữa là “không thể tránh khỏi”, hãng nhận xét trong báo cáo gửi khách hàng.
Tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực tư nhân so với cùng kỳ tại Việt Nam. |
Chưa hết, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng 2011. Đây là thời điểm nhiều ngân hàng liêu xiêu vì nợ xấu và trích lập dự phòng tăng vọt do liên quan đến khoản vay của Vinashin.
Ngoài ra, ngân hàng Credit Suisse còn cảnh báo Việt Nam về bất lợi đến từ xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 12 – 14% trong giai đoạn 2000 – 2015, tuy nhiên chỉ đạt 7,5% trong 11 tháng đầu năm 2016.
Nhân tố thúc đẩy là TPP đã nguội lạnh vì Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thề sẽ đưa Mỹ rút khỏi hiệp định.
Do đó, Credit Suisse cho rằng sự chuyển hưởng trong chính sách của Mỹ có thể làm nảy sinh ba rủi ro với nền kinh tế Việt Nam.
Đầu tiên, tiền đồng có thể giảm giá 4 – 5% trong năm 2017. Thứ hai, đầu tư toàn cầu suy giảm có thể tạo sức ép lên thương mại. Thứ ba, tốc độ cải cách có thể giảm nếu TPP đổ vỡ.
Kết lại, Credit Suisse dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2017.