Kiều hối chững do đâu?
Những năm qua, dòng kiều hối là một trong những nguồn bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, góp phần lớn vào dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng gia tăng, quy định pháp luật cũng đã tạo rất nhiều điều kiện để bà con Việt kiều trở về nước đầu tư.
Cùng với đó chính sách từ Chính phủ cũng như ngân hàng thương mại khuyến khích Việt kiều chuyển, gửi tiền về đầu tư, làm ăn cũng ngày càng thuận lợi, nhanh chóng hơn... là nguyên nhân khiến gia tăng dòng kiều hối trong những năm qua.
Có khoảng 50% lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tập trung ở TP. Hồ Chí Minh, với mức tăng trung bình trong những năm gần đây là khoảng 10-15%/năm.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 11/2016, lượng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 4,3 tỷ USD, ước tính cả năm đạt khoảng 5 tỷ USD - giảm khoảng 500 triệu USD so với năm 2015.
Trong đó 71,9% kiều hối về TP. Hồ Chí Minh được chuyển thành vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; 21,9% cho lĩnh vực bất động sản; 6,2% nhằm tháo gỡ khó khăn cho gia đình.
Trên cả nước, kiều hối năm 2016 dự kiến chỉ rơi vào khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn so với dự báo 12 tỷ USD hồi đầu năm. Kiều hối gần như đều tăng qua các năm trở lại đây. Vậy sự tác động nào khiến dự báo lượng kiều hối giảm trong năm 2016?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc kiều hối giảm đi trong năm 2016 bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất phải nói tới ảnh hưởng từ quyết định của FED. Dù việc tăng lãi suất của cơ quan này vừa được đưa ra tháng 12/2016, nhưng từ trước đó rất lâu người ta đã có thể đoán định được việc này.
Không những thế cơ quan này cũng để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên thêm 3 lần vào năm 2017. Chính điều này khiến cho những nhà đầu tư, hay những người chuyển tiền về Việt Nam giữ USD để gửi tiết kiệm tại các quốc gia có lãi suất tiền gửi USD cao hơn Việt Nam.
Sau Fed, thì tác động từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump cùng chính sách ủng hộ nâng cao giá trị đồng USD của ông cũng là nhân tố khiến cho dòng kiều hối về Việt Nam giảm.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được cho là nguyên nhân tác động tới kiều hối về Việt Nam. Lượng kiều hối từ Mỹ chuyển về Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào sản xuất kinh doanh để đón đầu TPP cũng được cân nhắc, tính toán hơn khi ông Donald Trump tuyên bố Mỹ không tham gia TPP.
Chia sẻ với CEO một ngân hàng (NH), vị này nhận thấy lượng kiều hối giảm phần lớn do yếu tố từ Mỹ. Như hai nguyên do nói trên, cộng đồng kiều bào ở Mỹ chiếm đa số, nguồn cung kiều hối từ thị trường này cũng chiếm 60%. Nên khi lượng kiều hối từ Mỹ giảm, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tổng lượng kiều hối chảy về Việt Nam.
Không chỉ ở Việt Nam, tại những quốc gia đang phát triển, lượng kiều hối cũng ghi nhận sự sụt giảm. Báo cáo mới nhất của NH Thế giới (WB) cho hay, Ấn Độ vốn là quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới trong năm 2015 cũng được dự báo sẽ giảm 5% năm 2016.
Các quốc gia khác như Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka cũng lần lượt được dự báo giảm 3,5%, 5,1% và 1,6% dòng kiều hối chuyển về. Như vậy có thể thấy, dòng kiều hối sụt giảm không phải là riêng lẻ một quốc gia nào, mà là tình trạng chung trong nhóm các quốc gia đang phát triển - vốn thu hút lượng lớn kiều hối.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn, việc các nhà đầu tư thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư của mình là chuyện dễ hiểu. Trao đổi với một số Việt kiều, họ đều cho rằng: Bên cạnh những người gửi tiền về cho gia đình chi tiêu sinh hoạt, thì việc tìm kiếm môi trường đầu tư, cơ hội kinh doanh tại Việt Nam của một lượng không nhỏ Việt kiều đều được tính đến, đặc biệt là mức sinh lời khi rót tiền về.
Ở những nước đang phát triển, dòng kiều hối đóng góp rất quan trọng vào sự đi lên của nền tài chính quốc gia. Song với một nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở lớn như Việt Nam, sự va đập và ảnh hưởng của biến động tài chính toàn cầu cũng gián tiếp tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.
Bởi thế, sự hỗ trợ, chính sách từ phía Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt với đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hay các doanh nghiệp khởi nghiệp là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư hiện nay khi rút vốn triển khai các dự án tại Việt Nam.