Chủ tịch Dragon Capital chỉ ra những điểm mấu chốt để chứng khoán Việt Nam hút tiền ngoại
Bước sang năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất định.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thị trường chứng khoán ngày càng nâng cao chất lượng doanh nghiệp, nâng cao tính công khai, minh bạch và hiệu quả, qua đó thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào thị trường ngày càng mạnh mẽ hơn trong năm 2024.
Chia sẻ trong Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show), ông Dominic Scriven OBE, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam cho biết đến thời điểm hiện tại, thị trường vốn nói chung ở Việt Nam, bao gồm thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu, đạt khoảng 70% GDP.
Trong đó, thị trường cổ phiếu hiện tương đương khoảng 50% GDP, ở mức cao điểm đã lên tới gần 78% GDP. Theo mục tiêu của Bộ Tài chính, đến năm 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP. Nhìn chung, thị trường đang phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển thêm trong 10 năm tới.
“Giá trị quan trọng nhất trên thị trường chứng khoán không năm ở tài chính mà là yếu tố uy tín, kinh nghiệm cũng như niềm tin của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước”, vị này nêu quan điểm.
Trong 10 năm gần đây thị trường chứng khoán của Việt Nam phát triển khá nhanh về lượng. Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán cách đây 10 năm đạt khoảng 35 tỷ USD. Sau 10 năm, con số này lên tới hơn 250 tỷ USD, tức tăng hơn 7 lần.
Trong khi đó, chất lượng của thị trường chưa phát triển với tốc độ tương đương. Do đó, hai năm gần đây các nhà đầu tư cũng đã chịu nhiều khó khăn, trong đó có Dragon Capital. Tuy nhiên, ông Dominic Scriven cho rằng nhà đầu tư cần bình tĩnh, có tầm nhìn dài hơn để chấp nhận sự điều chỉnh cần thiết, hướng đến tương lai thị trường an toàn hơn, hiệu quả hơn và có chất lượng hơn.
Về chất lượng các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường hiện nay, ông Dominic cho biết hiện thị trường có khoảng 1.500 doanh nghiệp trên cả 3 sàn, trong đó 70 doanh nghiệp hàng đầu chiếm 70 - 80% tổng giá trị vốn hóa của thị trường.
“Vì lẽ đó, khi nói đến chất lượng doanh nghiệp có lẽ chúng ta sẽ phải nói tới 70 - 80 doanh nghiệp hàng đầu trước và chúng tôi khá hài lòng với những doanh nghiệp này.
Hiện thị trường có khoảng 50 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Về chất lượng quản trị, mô hình quản trị bền vững trong kinh doanh cũng đã được chú trọng nhiều hơn. Với sự phát triển về mặt kinh doanh, trong hai năm 2023, 2024, vai trò của ngành tài chính trên thị trường chứng khoán là rất lớn, trong khi đó ngành bất động sản hay tiêu dùng vẫn còn những khó khăn…”.
Cũng theo Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam, có rất nhiều quỹ đầu tư quy mô cực lớn trên thế giới chưa từng đầu tư vào Việt Nam, mặc dù về tổng thể các nhà đầu tư nước ngoài đều có những đánh giá tích cực về thị trường Việt Nam.
Ở góc độ của một công ty quản lý quỹ, ông Dominic chia sẻ việc tham gia vào các công ty niêm yết tại Việt Nam vẫn còn một số khó khăn như sự giới hạn về tỷ lệ sở hữu hay cấu trúc của thị trường.
Điển hình như việc nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển tiền trước thì mới được giao dịch, hay website của một số công ty không đăng tải thông tin bằng tiếng nước ngoài. Do đó, ông cho rằng nếu thị trường Việt Nam muốn thu hút dòng vốn ngoại tiềm năng này thì các bài toán nêu trên cần được giải quyết.
Đối với năm 2024, ông Dominic cho rằng tình hình chung của thế giới còn nhiều bỏ ngỏ, nền kinh tế có thể sẽ hạ cánh mềm. Tuy nhiên, hạ cánh như thế nào vẫn là dấu hỏi.
“Chúng ta vẫn phải theo dõi hàng tháng các con số xuất phát từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nhưng nhận xét chung là sự phục hồi mà chúng ta đang thấy trên toàn cầu, đặc biệt tại Việt Nam sẽ tiếp tục qua các quý sắp tới. Điều này sẽ kéo theo sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết về mặt doanh thu, lợi nhuận, dù vậy chúng ra cũng nên lưu ý đến nhiệm vụ quản trị rủi ro ở mỗi khía cạnh”.