|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ quản taxi Xanh SM mang về bao nhiêu tiền cho Vingroup sau 7 tháng hoạt động?

15:19 | 25/10/2023
Chia sẻ
Theo Reuters, khoảng 2/3 doanh số bán xe VinFast là cho GSM, trong hai quý gần đây.

Taxi Xanh SM. (Ảnh: Đức Huy).

Được tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập từ tháng 3/2023, GSM (đơn vị sở hữu hãng taxi Xanh SM) hoạt động trong mảng taxi, gọi xe công nghệ và cho thuê ô tô. Phương tiện GSM sử dụng là các mẫu ô tô/xe máy điện đến từ VinFast.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III mới được công bố của Vingroup cho thấy, tập đoàn đã thu hơn 9.141 tỷ đồng từ GSM cho hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong 9 tháng đầu năm.

Đây là các khoản mà hãng taxi này đã trả cho VinFast để mua xe điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Reuters cho biết, trong hai quý gần đây, khoảng 2/3 doanh số bán xe của VinFast là cho GSM, vào khoảng 13.000 xe. Hiện chưa rõ trong số này, bao nhiêu được dùng để chạy taxi, bao nhiêu sẽ cho thuê.

Đến nay, VinFast đã bán được gần 19.000 ô tô điện, trong đó Việt Nam là thị trường chính.

Hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến sẽ bàn giao tiếp 18.250 ô tô điện cho GSM vào năm sau với tổng giá trị ước tính (đã bao gồm thuế) là 17.652 tỷ đồng (748 triệu USD). 

Trả lời tờ Bloomberg qua mail, VinFast nói rằng việc bán xe cho hãng taxi điện Xanh SM là "một đòn bẩy quảng cáo quan trọng”. Điều này có khả năng thúc đẩy nhu cầu và doanh số bán hàng trực tiếp cho người mua trong tương lai.

Dự kiến tới hết năm nay, Xanh SM sẽ hiện diện tại 27/63 tỉnh thành trong nước và tăng quy mô đội xe lên 30.000 taxi điện và hơn 90.000 xe máy điện. 

Không chỉ tại thị trường Việt Nam, trung tuần tháng 10, GSM thông báo mở dịch vụ taxi điện tại Lào. Công ty đã xuất khẩu 150 ô tô điện VinFast sang Lào để triển khai dịch vụ taxi điện. 

Theo kế hoạch, GSM mong muốn phát triển đội xe taxi điện tại Lào với quy mô 1.000 chiếc, bao gồm VF 5 và VF e34. Công ty cũng phát triển hệ sinh thái dịch vụ gồm cho người dùng cá nhân thuê xe, hướng tới B2B như bán xe VinFast cho đối tác doanh nghiệp như tại Việt Nam.

Hiện GSM cũng đang làm việc với một số đối tác ở Singapore, Malaysia, Campuchia và Philippines để đàm phán và tiến tới hợp tác triển khai dịch vụ.

GSM hiện thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng với 95% vốn góp. Ngày 13/9, GSM tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.947 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không thay đổi.

Đức Huy

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.