Chu kỳ tăng lãi suất sắp bước vào chặng cuối
Chuẩn bị cho chặng cuối
Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong số các ngân hàng trung ương lớn quyết tâm hành động khi Thống đốc Tiff Macklem thông báo rằng Canada (Ca-na-đa) đang "xoay chuyển được tình thế lạm phát" và sau lần tăng gần đây nhất, BoC có thể sẽ “tạm dừng có điều kiện” việc tăng lãi suất. BoC ngày 25/1 đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản lên 4,5%, lần tăng lãi suất thứ tám liên tiếp.
Còn Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã nhiều lần đề cập đến quá trình "giảm lạm phát" đang diễn ra trong nền kinh tế Mỹ, cho phép Fed tăng lãi suất chỉ 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp gần đây nhất, mức tăng thấp nhất kể từ khi Fed bắt đầu nâng lãi suất hồi tháng 3/2022.
Ông Powell nói rằng lãi suất vẫn cần phải tăng, nhưng nếu tình hình nền kinh tế và lạm phát tiến triển như các quan chức kỳ vọng thì Fed có thể chỉ cần “vài lần” tăng thêm 0,25 điểm phần trăm để đạt đến mức cần thiết đảm bảo việc lạm phát tiếp tục giảm.
Trong khi đó, các quan chức của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã từ bỏ cam kết tăng lãi suất "mạnh mẽ" hơn nữa nếu cần thiết sau lần tăng 0,5 điểm phần trăm gần đây nhất, với việc Thống đốc Andrew Bailey nói rằng BoE đã "nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên cho thấy lạm phát đã xoay chiều”.
BoE ngày 2/2 đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm lên 4%, mức cao nhất trong 15 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng cho rằng lãi suất có thể đã đạt mức đỉnh. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của BoE trong nỗ lực chặn đà lạm phát đang tăng cao.
Với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Chủ tịch Christine Lagarde nói rằng ECB sẽ tiếp tục hành động sau khi tăng lãi suất chính sách cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp vào 2/2, và cho biết dự định tăng thêm 0,5 điểm nữa tại cuộc họp tiếp theo vào tháng Ba tới.
Giới chuyên gia cho rằng ECB đang để ngỏ khả năng tạm dừng hoặc giảm tốc độ tăng lãi suất sau tháng Ba.
Khi lạm phát xoay chiều
BoC hiện dự báo lạm phát sẽ giảm xuống khoảng 3% vào giữa năm nay và ở mức 2,6% vào quý IV/2023. Theo BoC, lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% vào năm 2024. Tỷ lệ lạm phát của Canada đứng ở mức 6,3% trong tháng 12/2022, giảm mạnh so với mức đỉnh 8,1% hồi tháng 6/2022. BoC cũng dự báo tăng trưởng sẽ đi ngang trong nửa đầu năm 2023 và có thể âm trong vài quý.
Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" phần nào vào cuối năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát mà Fed quan tâm theo dõi, chỉ tăng 0,3% trong tháng 12/2022 so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2022 của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước đó, thấp hơn so với mức 7,1% của tháng 11 và thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất 9,1% của tháng 6/2022. Tuy nhiên, con số này còn cách khá xa so với lạm phát mục tiêu 2% được đề ra.
Tại Anh, Thống đốc BoE Andrew Bailey đã hứng chỉ trích do lạm phát ở nước này cao kỷ lục trong vòng 41 năm, ở mức 11,1% vào tháng 10/2022, gấp hơn 5 lần so với mục tiêu 2% của BoE. Tuy nhiên, lạm phát đã giảm trong hai tháng tiếp theo, đứng ở mức 10,5% vào tháng 12/2022.
BoE, hiện đang dự báo một cuộc suy thoái nhẹ hơn trong năm nay so với dự báo trước đây, cho biết sẽ chỉ tăng lãi suất mạnh hơn nếu có những dấu hiệu mới cho thấy lạm phát sẽ ở mức quá cao trong thời gian quá dài. Tuyên bố của BoE cho thấy lãi suất có thể đạt đỉnh ở mức 4%, thấp hơn mức 4,5% mà thị trường tài chính dự báo.
Còn Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu cho biết tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp, xuống còn 9,2% trong tháng 12/2022, so với mức 10,1% trong tháng 11. Trước đó, lạm phát ghi nhận trong tháng 10 là 10,6%, cao gấp 5 lần so với mục tiêu lạm phát mà ECB đề ra.
Cần tiếp tục hành động
Tuy nhiên, tất cả các ngân hàng đều vẫn cam kết giữ các điều kiện tín dụng chặt chẽ nhất có thể để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu chung là 2% từ mức hiện tại vốn đang cao hơn nhiều so với mức này.
Cố vấn Tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Tobias Adrian, cùng với các chuyên gia khác cho rằng, với các điều kiện tài chính nới lỏng dù lãi suất chính sách tăng, các ngân hàng trung ương phải kiên quyết trong cuộc chiến chống lạm phát và đảm bảo chính sách vẫn được thắt chặt đủ lâu một cách hợp lý để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu một cách lâu dài.
Ngày 7/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed vẫn còn một chặng đường quan trọng phía trước để đạt được mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%/năm. Theo người đứng đầu Fed, tình trạng lạm phát cao sẽ không nhanh chóng chấm dứt và Fed sẽ phải tăng lãi suất lên cao hơn. Ông cũng lưu ý quá trình kiềm chế lạm phát có thể sẽ mất khá nhiều thời gian và không suôn sẻ.
Khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất vẫn được giới chuyên gia lựa chọn nhiều nhất. Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard cho rằng lãi suất sẽ cần duy trì ở mức cao trong một thời gian ngay cả khi lạm phát giảm bớt để đảm bảo lạm phát quay trở lại mức 2% một cách bền vững, đồng thời cam kết ngân hàng trung ương sẽ "giữ nguyên lộ trình" chống giá cả phi mã.
Còn tại Eurozone, mặc dù lạm phát suy yếu trong tháng 1/2023, giá tiêu dùng ước tính vẫn tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát cao vẫn là giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục ở mức rất cao.
Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng rằng quyết định tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp của ECB sẽ làm giảm đáng kể lạm phát trong thời gian tới.