Chu kì tăng giá của đồng USD đã đến hồi kết?
Loạt ngân hàng Mỹ dự báo đồng USD suy yếu trong năm 2019 |
Nguồn: Reuters. |
Báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định đồng USD đã đạt đỉnh so với nhiều đồng tiền, trong đó có yen Nhật nhưng dường như hiện tại chu kì tăng giá này đã đi đến hồi kết. Và nếu trường hợp trên là đúng, Nhà Trắng cũng như tổng thống Trump sẽ có lý do để để tin rằng một đồng USD yếu hơn sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong năm 2019.
Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị mua đồng EUR hoặc rổ tiền tệ Châu Á/ bán USD trong thời gian từ 6 - 12 tháng tới.
Đồng USD đã có khoảng 10 tháng tăng mạnh và một trong những lý do thúc đẩy đồng tiền này chính là niềm tin về việc cắt giảm thuế doanh nghiệp tại Mỹ sẽ khiến dòng tiền chảy về lại nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Báo cáo cũng cho rằng các nhà đầu tư đang lựa chọn đóng các vị thế mua đồng USD khi mức chênh lệch tăng trưởng kinh tế của Mỹ so với các khu vực khác của thế giới có thể đã đạt đỉnh.
Cùng với đó, chênh lệch lãi suất của đồng USD đã được phản ánh lên giá và có thể sẽ thu hẹp khi Fed có khuynh hướng chậm lại trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ so với vài tháng trước. Phó chủ tịch Fed Clarida và Chủ tịch Fed Philadelphia Harker gần đây ngụ ý họ chưa sẵn sàng “mạnh tay” nâng lãi suất liên bang.
Đồng euro không ghi nhận quá nhiều xáo trộn khi mà Brexit dường như chỉ có tác động nhiều nhất lên đồng bảng Anh. Tỷ giá EUR/USD đã giảm về 1,12 vào giữa tháng 11 trước khi hồi phục lên 1,14 ở thời điểm hiện tại.
Xu hướng dòng vốn chảy vào các tài sản định giá bằng USD đang dần kết thúc. Các đồng tiền chịu sự chi phối của giá hàng hóa như CAD, AUD, NZD đang dần ổn định, qua đó cho thấy nhà đầu tư dường như đã giảm bớt lo sợ rủi ro với các tài sản đó. Các đồng tiền yếu nhất châu Á (PHP, IDR và INR) đã hồi phục tương đối so với USD trong vài tuần qua do mặt bằng lãi suất tăng tại một số quốc gia, cùng với việc giá dầu thô giảm.
Chỉ số Bloomberg Dollar trên thực tế chưa bao giờ quay lại mức đỉnh mà nó đã thiết lập từ 2016.
Nguồn: VDSC. |