|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ GS25 Việt Nam chưa năm nào có lãi

12:18 | 14/04/2025
Chia sẻ
Chủ sở hữu GS25 liên tục thua lỗ kể từ khi chuỗi cửa hàng tiện lợi này đi vào hoạt động từ 2017.

Báo cáo thường niên của GS Retail cho thấy GS Retail Việt Nam dù doanh thu tăng trưởng liên tục song chưa năm nào ghi nhận có lãi kể từ năm 2017 bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.

Năm ngoái, đơn vị vận hành chuỗi GS25 Việt Nam đạt 110,4 tỷ won (khoảng 1.691 tỷ đồng), tăng hơn 29% so với năm 2023. Tuy nhiên, GS Retail lỗ ròng 106 tỷ đồng năm 2024, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

 

Năm 2018, GS25 ra mắt tại thị trường Việt Nam bằng liên doanh giữa GS Retail (Hàn Quốc) và tập đoàn Sơn Kim.

Cuối năm 2021, GS25 Việt Nam khai trương cửa hàng nhượng quyền đầu tiên, thể hiện tham vọng bao phủ thị trường. Với chiến lược nhượng quyền thương hiệu, thương hiệu đang từng bước thực hiện hóa mục tiêu của mình - trở thành thương hiệu cửa hàng tiện lợi hàng đầu Việt Nam với hơn 2.000 cửa hàng sau 10 năm hoạt động. 

Tháng 6/2023, Sơn Kim Retail và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) công bố ký kết hợp đồng đầu tư nhằm đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng GS25 tại Việt Nam.Theo thoả thuận, nguồn vốn 460 tỷ đồng được sử dụng để phát triển hoạt động kinh doanh của chuỗi GS25 tại Việt Nam.

Thời điểm đó, đại diện Sơn Kim cho biết đây là một trong những cột mốc quan trọng trong kế hoạch thu hút thêm nhiều khoản đầu tư lớn vào Sơn Kim Retail, nhằm chuẩn bị cho sự phát triển của ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam trong những năm tới. GS25 đang có hơn 300 cửa hàng tại Việt Nam.

 Cửa hàng GS25 đầu tiên ở Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Pháp nhân vận hành kinh doanh GS25 tại Việt Nam là Công ty TNHH GS Retail Việt Nam, được thành lập từ tháng 5/2007, đặt trụ sở chính tại Bến Cát, Bình Dương. Người đại diện theo pháp luật là ông Choi Gum Sung, sinh năm 1975, chức vụ Tổng Giám đốc.

Tính đến tháng 6/2019, công ty có vốn điều lệ 60,26 tỷ đồng nhưng chi tiết về cổ đông không được công bố chi tiết. Thời điểm cuối năm 2022, theo tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank), GS Retail Việt Nam có 70% vốn góp của CVS Holdings - một công ty con của Sơn Kim Retail và 30% vốn góp của GS Retail Hàn Quốc.

Thị trường cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng thêm 226,4 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) trên 13% từ năm 2023 đến 2028. Quá trình đô thị hóa, thu nhập khả dụng tăng, và nhu cầu tiện lợi ngày càng lớn trong giới trẻ thành thạo công nghệ là những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng này.  

Năm 2024, Việt Nam có khoảng 1.374 cửa hàng tiện lợi, với TP HCM dẫn đầu thị trường. Về doanh thu năm 2023, Circle K chiếm 38% thị phần, theo sau là Ministop (15%), GS25 (14%), Family Mart (12%) và 7-Eleven (8%). Riêng tại Hà Nội, Circle K từ lâu là lựa chọn gần như duy nhất cho người tiêu dùng trong phân khúc cửa hàng tiện lợi. Trái ngược, thị trường này vô cùng sôi động ở phía Nam với nhiều tên tuổi lớn. 

Đức Huy

Data Talk | The Catalyst 05: Đánh giá hiệu quả đầu tư các quỹ và chiến lược hành động quý II
Data Talk | The Catalyst #05 mổ xẻ hiệu suất các quỹ Việt trong quý I/2025, phân tích chiến lược phân bổ danh mục và thời gian nắm giữ của các quỹ, đồng thời gợi ý cách nhà đầu tư cá nhân chọn quỹ phù hợp khẩu vị rủi ro và chiến lược hành động cho quý II.