|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chốt xây dựng sân bay thứ hai của Hà Nội ở phía Đông Nam

20:10 | 05/09/2022
Chia sẻ
Đối với sân bay thứ hai vùng Thủ đô, dự thảo quy hoạch mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam xác định xây dựng tại Đông Nam Hà Nội. Như vậy, các phương án Yên Lãng (Hải Phòng), Lý Nhân (Hà Nam) đều bị loại bỏ.

Theo báo cáo công tác rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN). Sân bay thứ 2 của Thủ đô Hà Nội được kiến nghị hình thành trong giai đoạn trước năm 2050.

Tuy nhiên, vị trí chính xác chưa xác định mà chỉ dự kiến xây dựng tại khu vực đông nam của Thủ đô Hà Nội. Như vậy, các phương án Yên Lãng (Hải Phòng), Lý Nhân (Hà Nam) đều bị loại bỏ, các phương án khả thi thuộc khu vực Đông Nam Hà Nội có thể được cân nhắc gồm: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà,...

Trước đó, Hà Nội từng nghiên cứu, đề xuất xây dựng sân bay ở phía Nam đặt ở khu vực huyện Thường Tín. Vị trí này có thể tránh được núi ở khu vực phía Tây, ít ảnh hưởng tới việc tiếp cận của máy bay khi về Nội Bài, đồng thời có thể nghiên cứu hướng đường cất - hạ cánh song song với đường cất - hạ cánh của sân bay Nội Bài. 

Ngoài ra, tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 tại Quyết định 768), có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô, gồm sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Yên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km. 

Liên quan đến vị trí đặt sân bay thứ 2 vùng thủ đô, từng có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Theo PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không - Đại học Bách khoa TP.HCM,Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài hiện đủ năng lực để khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và các vùng lân cận. Trong ngắn hạn, Hà Nội chưa cần thêm một sân bay dân dụng. 

Tuy nhiên, theo PGS. Tống nếu nhất thiết cần thêm một sân bay quốc tế nữa cho vùng Thủ đô Hà Nội thì nên khôi phục sân bay Gia Lâm để đáp ứng nhu cầu khách đến/đi Hà Nội tới các tỉnh phía Bắc. 

Còn theo TS. Lương Hoài Nam, Chuyên gia hàng không, sân bay thứ hai Vùng Thủ đô không nhất thiết phải đặt ở địa phận của TP. Hà Nội. Ở các nước, xây sân bay thứ hai của một thành phố không nhất thiết phải đặt ở địa phận thành phố đó mà có thể đặt ở các vùng lân cận.

TS. Nam ủng hộ việc quy hoạch sân bay Yên Lãng là sân bay thứ hai Vùng Thủ đô. Sân bay Yên Lãng và sân bay Nội Bài sẽ đạt tổng công suất tối đa trên 100 triệu khách/năm, phù hợp với nhu cầu đến năm 2050. 

Công suất loạt cảng hàng không có khả năng tăng trưởng đột biến

Tại báo cáo mới nhất của Cục HKVN, đơn vị này cũng rà soát, cập nhật một số sân bay có khả năng tăng trưởng đột biến về nhu cầu vận tải.

Theo đó, thời kỳ 2021-2030, Cục HKVN đã nâng công suất quy hoạch dự kiến của một số cảng hàng không (CHK) có tiềm năng, có khả năng tăng trưởng đột biến về nhu cầu vận tải như: CHKQT Cát Bi (từ 8 triệu hành khách/năm thành 13 triệu hành khách/năm), CHKQT Chu Lai (từ 5 triệu hành khách/năm thành 10 triệu hành khách/năm).

Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, rà soát, cập nhật công suất quy hoạch dự kiến của một số CHK có tiềm năng, có khả năng tăng trưởng đột biến về nhu cầu vận tải như CHKQT Vân Đồn (từ 12 triệu hành khách/năm thành 20 triệu hành khách/năm), CHKQT Chu Lai (từ 28 triệu hành khách/năm thành 30 triệu hành khách/năm), CHKQT Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030 là 25 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hàng khách/năm.

"Tùy theo nhu cầu vận tải và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét, điều tiết, phân bổ các chuyến bay (slot) giữa 2 cảng hàng không, bảo đảm khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; đồng thời tạo động lực hấp dẫn đầu tư phát triển cảng hàng không Chu Lai", báo cáo từ Cục HKVN cho biết.

Hạ An