|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chống sạt lở ở Cần Thơ - Bài 1: Tiền tỉ trôi sông

21:02 | 30/05/2020
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Cần Thơ đã có 17 điểm sạt lở với chiều dài hơn 1.000 m, ảnh hưởng đến 37 căn nhà; trong đó có 4 căn bị sạt hoàn toàn, thiệt hại tài sản hơn 12 tỉ đồng.
Chống sạt lở ở Cần Thơ - Bài 1: Tiền tỉ trôi sông - Ảnh 1.

Sạt lở bờ sông Bình Thuỷ (Cần Thơ) làm sập hoàn toàn 2 căn nhà ngày 13/5. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Trong những năm gần đây, sạt lở bờ sông ở thành phố Cần Thơ ngày càng nghiêm trọng. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, địa phương này đã xảy ra 17 vụ sạt lở, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. 

Trước thiên tai, thành phố Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở gây ra, nhiều công trình đã hoàn thành và phát huy hiệu quả.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, tổng chiều dài 17 điểm sạt lở trên địa bàn từ đầu năm đến nay là hơn 1.000 m, ảnh hưởng đến 37 căn nhà; trong đó có 4 căn bị sạt hoàn toàn, thiệt hại tài sản hơn 12 tỉ đồng.

Các quận, huyện xảy ra sạt lở gồm: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền và Vĩnh Thạnh. Không chỉ gây thiệt hại vật chất rất lớn mỗi khi xảy ra mà sạt lở còn làm mất nhiều thời gian, tiền của để khắc phục hậu quả mà nó để lại.

Đường mất, nhà chìm vì “hà bá”

Giữa tháng 1/2020, ông Trần Văn Quang ở khu vực Phú Thuận A, phường Tân Phú, quận Cái Răng nhìn thấy nhiều vết nứt trên đường bê tông trước nhà. Căn nhà của ông Quang nằm quay mặt ra con rạch Bến Bạ, cách sông Hậu khoảng 1 km. 

Mỗi ngày, có khá nhiều ghe tàu qua lại trên con rạch này. Ban đầu, những vết nứt này rất nhỏ rồi sau đó lớn dần nhưng ông Quang cũng như những người dân đã sinh sống hàng chục năm ở đây không nghĩ rằng có ngày con rạch hiền hòa này bị sạt lở.

“Tới bữa thấy nó hở ra khoảng một gang tay, tôi bèn lặn xuống sông xem thử thì không thấy gì bất thường, nhưng khi vừa lên bờ thì cả căn nhà bắt đầu lún từ từ rồi sụp xuống. Sau đó vài ngày thì cả đoạn đường giao thông phía trong cũng bị sạt luôn”, ông Quang nói.

Chỉ tay về phía bụi tre chỉ còn phần ngọn trồi lên dưới sông, cách vị trí đứng trò chuyện cùng chúng tôi hơn 10m, ông Quang cho biết: "Đó là phần bờ sông trước khi bị sạt lở. 

Nơi chúng tôi đứng là phía trong hàng rào nhà ông Quang, giờ nằm chơi vơi sát bở sông vì con đường bê tông rộng 4 m chạy ngang đó cũng đã bị sụp mất và cái bờ rào cũng có thể bị cuốn theo bất cứ lúc nào".

Đường mất, việc đi lại của người dân Phú Thuận A cùng những khu vực lân cận gặp khó khăn vì đó là một trong những tuyến đường chính để ra quốc lộ Nam Sông Hậu để vào trung tâm thành phố. 

Thêm nữa, những hộ dân ở tại đoạn bị sạt lở còn phải luôn trông chừng con cháu mình, không để chúng ra vui chơi như thường lệ vì không biết sạt lở sẽ xảy ra lúc nào.

“Chúng tôi cũng muốn làm kè tạm để giữ đất lại nhưng đoạn bị sụt dài và ăn vào bờ sâu quá, chỉ vài nhà thì không đủ sức. Chẳng những giao thông đi lại bị chia cắt mà trẻ con nếu không trông giữ cẩn thận có thể gặp nguy hiểm. 

Chỉ mong Nhà nước quan tâm khắc phục sớm chứ đến mùa nước lên thì khu vực này có thể bị sạt hết”, ông Trần Văn Quang nói.

Theo UBND quận Cái Răng, điểm sạt lở tại rạch Bến Bạ đã làm ảnh hưởng 2 căn nhà; trong đó có một căn bị sụp hoàn toàn xuống sông, thiệt hại tài sản trên 133 triệu đồng. 

Hiện, toàn bộ chiều dài khu vực sạt lở khoảng 120m; trong đó đoạn đường giao thông nông thôn bị sạt lở hoàn toàn khoảng 80 m, chiều rộng lấn sâu vào bờ đoạn lớn nhất khoảng 6 m, chia cắt hoàn toàn giao thông qua khu vực này.

Tại quận Ninh Kiều, vào ngày 7/3, bờ sông Cần Thơ khu vực ven chợ nổi Cái Răng bị sạt lở làm ảnh hưởng 5 căn nhà của người dân. 

Điểm sạt lở nằm trên đường Lộ Vòng Cung thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều dài 30 m, lấn sâu vào bờ 2m. Vụ việc đã làm phần nhà phía sau của 5 hộ dân bị nhấn chìm xuống sông cùng nhiều tài sản.

Anh Ngô Tấn Đạt, chủ nhà số 173/4, khu vực 5, phường An Bình cho biết, lúc gần 10 giờ sáng, anh nghe tiếng “rắc rắc” ở phía bên hông nhà rồi sau đó toàn bộ căn nhà sau bị sụp xuống. 

Xưởng mộc của gia đình anh Đạt cùng nhiều máy móc, thiệt bị cũng bị nhấn chìm xuống sông Cần Thơ. 

Theo anh Đạt, may mắn là lúc đó các thành viên trong gia đình đang tập trung ở nhà trước, chứ nếu có ai ra nhà sau thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra bởi lòng sông nơi đó rất sâu.

Sắp được làm kè thì sạt lở

Chống sạt lở ở Cần Thơ - Bài 1: Tiền tỉ trôi sông - Ảnh 2.

Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Bình Thuỷ làm sập 2 căn nhà ngày 13/5. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Vụ sạt lở mới nhất tại Cần Thơ xảy ra ngày 13/5, tại đường Bùi Hữu Nghĩa, khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa, quận Bình Thủy. 

Hậu quả đã làm 2 căn nhà số 835 của ông Phan Văn Hữu và số 837 của bà Phan Thị Xuân Thu bị sụp xuống sông Bình Thủy, rất may không gây thiệt hại về người. 

Đoạn sạt lở và có nguy cơ sạt lở dài 400 m, thuộc dự án Kè chống sạt lở chợ Rạch Cam giai đoạn 2 đang được triển khai do Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Sau khi khảo sát thực tế điểm sạt lở này vào ngày 27/5, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhận định, đây là khu vực sạt lở nguy hiểm khẩn cấp và có khả năng sẽ diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới, ăn vào sâu hơn và dài hơn, ảnh hưởng đến giao thông trên đường Bùi Hữu Nghĩa (đường tỉnh 918) nếu không xử lý kịp thời.

Do đó, ông Dũng yêu cầu tạm dừng thi công bờ kè ở khu vực này để để xem xét, rà soát, đánh giá khoa học đầy đủ, từ đó sẽ quyết định phương án thiết kế, thi công tiếp theo. 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, việc điều chỉnh thiết kế của dự án để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đảm bảo ổn định lâu dài là để phù hợp thực tế diễn biến sạt lở hiện nay.

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, trong số các vụ sạt lở xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay, nghiêm trọng và gây thiệt hại nhiều nhất là hai điểm sạt lở sông Bến Bạ (phường Tân Phú, quận Cái Răng) và điểm sạt lở sông Bình Thủy (phường Long Hòa, quận Bình Thủy).

Đối với điểm sạt lở trên rạch Bến Bạ, sau khi có báo cáo đánh giá tổng thể của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương cho đầu tư dự án khắc phục điểm sạt lở này với chiều dài khoảng 140 m với kinh phí từ nguồn ngân sách của thành phố. 

Theo đó, sắp tới Cần Thơ sẽ cho xây dựng tuyến kè chống sạt lở tại vị trí này để đảm bảo an toàn, ổn định cho khu vực, khôi phục lại tuyến đường giao thông đang bị chia cắt.

Còn điểm sạt lở trên tuyến sông Bình Thủy, sau khi lãnh đạo thành phố đi kiểm tra thực tế đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn, thiết kế sớm hoàn thành hồ sơ trên tinh thần kế thừa thiết kế của dự án Kè chống sạt lở đang được thi công, có điều chỉnh hợp lý và đảm bảo hiệu quả, đáp ứng mục tiêu chống sạt lở của thành phố.

Riêng điểm sạt lở nhấn chìm 5 căn nhà ven chợ nổi Cái Răng (phường An Bình, quận Ninh Kiều), thuộc dự án kè chống sạt lở sông Cần Thơ do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư, hiện nay thủ tục đầu tư đang được hoàn thiện để sớm khắc phục sạt lở ở đoạn này.

Còn tiếp: Bài cuối: Cuộc sống hồi sinh

Thanh Liêm