37 vị trí sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm tại TP HCM
Trên cơ sở đề xuất của 11 quận, huyện có 50 vị trí sạt lở, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP HCM đã phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Quản lí đường thủy và Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan đã kiểm tra hiện trường, đánh giá, phân loại mức độ đối với các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố năm 2019.
Kết quả cho thấy, trên địa bàn TP HCM hiện có 37 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Trong đó có 19 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 18 vị trí nguy hiểm. Tại 37 vị trí sạt lở, thành phố đã lập thành 35 bờ kè phòng, chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư.
Đối với 19 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thành phố đã lập hồ sơ cho cả 19 dự án. Trong đó, Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư 14 dự án, chiếm gần 74% tổng số dự án đặc biệt nguy hiểm.
Về tiến độ thực hiện 19 dự án trên, một dự án đã được đưa vào sử dụng, 13 dự án đang triển khai thi công, 4 dự án đã phê duyệt nhưng chưa triển khai thi công và một dự án đang được khảo sát để lập, trình duyệt hồ sơ dự án.
Còn tại 18 vị trí sạt lở nguy hiểm, Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư 7 dự án, chiếm 44% tổng số các dự án nguy hiểm.
Trong 7 dự án này, huyện Nhà Bè có 4 dự án, huyện Cần Giờ có một dự án, quận 2 có một dự án và quận Thủ Đức có một dự án.
Theo cập nhật tiến độ đến tháng 9/2019, một dự án đã thi công xong nhưng chưa bào giao, chưa quyết toán, hiện bị sạt lở nghiêm trọng; 8 dự án đang triển khai thi công; hai dự án đã phê duyệt nhưng chưa triển khai và 5 dự án đang được khảo sát để lập, trình duyệt hồ sơ dự án.
So với năm 2018, số lượng vị trí sạt lở đã giảm được 4 vị trí do đã hoàn thành đưa vào sử dụng dự án kè chống sạt lở thuộc quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ.
Tuy nhiên, năm nay thành phố vẫn phát sinh thêm 4 vị trí sạt lở mới, đều ở mức độ sạt lở nguy hiểm, gồm gói thầu 4A (huyện Hóc Môn), bờ phải sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh), bờ phải rạch Giồng (huyện Nhà Bè) và bờ phải rạch Mốc Keo (huyện Cần Giờ).
Sạt lở do nhiều nguyên nhân
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP HCM, tiến độ thực hiện các dự án kè chống sạt lở trên địa bàn thành phố còn chậm, số điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm chưa giảm đáng kể, sạt lở bờ sông vẫn tiếp tục de dọa an toàn tính mạng và đời sống người dân.
Bên cạnh đó, trong quá trình lập hồ sơ dự án kè, một số chủ đầu tư chưa khảo sát đánh giá đủ về địa hình, địa chất, thủy văn, dẫn đến đề xuất phương án thiết kế kĩ thuật không đảm bảo.
Theo đó, trong quá trình thi công, một số dự án đã bị sụp lún, sạt lở và khiếm khuyết, buộc phải điều chỉnh dự án như: Dự án xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư An Nghĩa; xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư An Hòa và dự án xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà.
Ở góc độ khác, các dự án kè chống sạt lở chậm tiến độ do gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cụ thể là chưa phê duyệt đơn giá đền bù nên không có mặt bằng để triển khai thi công.
Thêm vào đó, tình trạng người dân xây dựng công trình lấn chiếm hành lang an toàn các công trình kè bảo vệ bờ sông, kênh, rạch không được chính quyền địa phương kiểm soát, làm gia tăng tải trọng sát mép bờ sông, dẫn đến công trình bị sạt lở, sụp lún.
Điển hình như ở khu vực kè sông Phú Xuân, khu vực kè sông Mương Chuối (Nhà Bè); khu dân cư Mỹ Khánh (Cần Giờ).
Ngoài ra, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch còn do ảnh hưởng từ các dự án nạo vét, nạn khai thác cát lòng sông trái phép tại các vùng phụ cận sông Sài Gòn; phía huyện Củ Chi giáp ranh hai tỉnh Tây Ninh, Bình Dương; khu vực sông Đồng Nai; phía quận 9 giáp ranh tỉnh Đồng Nai; khu vực sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và vùng ven cửa biển Cần Giờ.
Những điều này làm thay đổi chế độ dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát, dẫn đến gia tăng xói lở bờ sông, ảnh hưởng đến an toàn các khu vực dân cư và các công trình hạ tầng kĩ thuật tại nhiều khu vực.
Hình ảnh một số vị trsi sạt lở tại TP HCM. Nguồn: Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP HCM