|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030

20:38 | 23/05/2020
Chia sẻ
Ngày 23-5, tại Cần Thơ, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030 - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo

 Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cùng các chuyên gia, nhà khoa học của các viện, trường, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và TP Cần Thơ...

Nghị quyết 45-NQ/TW (17-2-2005) của Bộ Chính trị khóa IX về việc “Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Trong đó, mục tiêu cụ thể “Cần Thơ phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng”.

Trải qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, TP Cần Thơ đã đạt được một số kết quả nổi bật như: kinh tế tăng trưởng khá (bình quân 7,27%/năm cao hơn mức trung bình toàn quốc), quy mô của nền kinh tế được mở rộng, là địa phương duy nhất tại ĐBSCL có đóng góp ngân sách về Trung ương; tổng sản phẩm nội địa (GRDP) năm 2019 đạt mức hơn 100.000 tỷ đồng (gấp 5 lần so với năm 2005), hàng năm đóng góp khoảng 1,8% GDP cả nước, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 88,3 triệu đồng (gấp 7,1 lần so năm 2005); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng mục tiêu Nghị quyết 45-NQ/TW đề ra, theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm đáng kể tỷ trọng khu vực nông nghiệp, từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng của vùng ĐBSCL.

Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030 - Ảnh 2.

TP Cần Thơ sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX . Ảnh: VĂN DƯƠNG

 Bên cạnh các mặt đạt được, TP Cần Thơ hiện vẫn chưa phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Đóng góp trong GRDP của vùng còn nhỏ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm nhất là ngành công nghiệp và chưa trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 như mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 45-NQ/TW.

Các khu, cụm công nghiệp phát triển chậm, tỷ lệ lấp đầy thấp; chưa có khu công nghiệp chuyên ngành và khu công nghiệp công nghệ cao; các ngành công nghiệp mới, hiện đại chưa phát triển. Ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa thật sự trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành của vùng ĐBSCL; dịch vụ logistics chậm phát triển; sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, chưa thể hiện rõ vai trò sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ, trình độ sản xuất và ứng dụng công nghệ không cao...

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: Sau khi lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học chúng tôi sẽ hoàn thiện đề án để báo cáo Bộ Chính trị xem xét trong tháng 6 này. Từ đó, Bộ Chính trị sẽ ban hành một Nghị quyết với các nhóm giải pháp, cơ chế chính sách đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi thực hiện các mục tiêu , tầm nhìn đến năm 2045.


Tuấn Quang