Chóng mặt vì các chuyên gia Phố Wall dự báo mỗi người một kiểu
Thái độ "diều hâu" bất ngờ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và biến đổi không ngừng của COVID-19 đang khiến các chuyên gia dự báo của Phố Wall phải vò đầu bứt tai.
Sau đây là dự báo mới nhất từ ông Ed Clissold, Giám đốc đầu tư tại Ned Davis Research. Ông nhận thấy nguy cơ tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc và Fed thắt chặt chính sách đẩy chứng khoán Mỹ vào "thị trường giá xuống nông" trong năm tới trước khi chỉ số S&P 500 phục hồi và kết năm ở mức nhỉnh hơn 2021 một chút.
Giọng điệu thận trọng của ông Clissold trái ngược với các đồng nghiệp ở JPMorgan và Credit Suisse.
Phân tích mà ông Marko Kolanovic, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của JPMorgan gửi đến khách hàng ngày 8/12 vô cùng lạc quan: "Quan điểm của chúng tôi là 2022 sẽ là năm kinh tế thế giới phục hồi hoàn toàn, đại dịch toàn cầu kết thúc và quay trở lại tình hình kinh tế bình thường mà chúng ta đã tận hưởng trước khi COVID-19 xuất hiện".
JPMorgan dự đoán thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục đà tăng trong năm sau nhưng với tốc độ thấp hơn năm nay. Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đặt mục tiêu cuối năm 2022 của chỉ số S&P 500 ở 5.050 điểm, cao hơn 7,4% so với mức hiện nay.
Quan điểm của ông Janthan Golub, Giám đốc đầu tư thị trường Mỹ của Credit Suisse còn tươi sáng hơn. Ông vừa nâng dự báo cho chỉ số S&P 500 năm 2022 lên 200 điểm thành 5.200 điểm, viện dẫn triển vọng cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp và tình hình tài chính dễ dàng.
Các nhận định mâu thuẫn trên diễn ra trong thế giới đã trở nên gần như không thể đoán trước, từ nhà đầu tư phải đối phó với xu hướng diều hâu của Chủ tịch Fed lần đầu tiên sau ba năm, cho đến nguy cơ Mỹ phong tỏa lần nữa làm trật bánh tăng trưởng.
Cho đến nay, phạm vi các ước đoán về chỉ số S&P 500 trong năm 2022 do Bloomberg tổng hợp trải dài từ 4.400 đến 5.300 điểm – tương đương mức chênh lệch 20%, cách biệt lớn thứ hai trong một thập kỷ.
Ông Joshua Leonardi, Giám đốc tại TD Prime Services cho biết: "Có rất nhiều ẩn số mới, bao gồm ý định của Fed, lạm phát và diễn biến bất ngờ của đại dịch. Sự chia rẽ sâu sắc của các chuyên gia dự báo Phố Wall có thể chỉ là kết quả của việc chúng ta phải xem xét thêm nhiều kịch bản tiềm năng từ góc độ địa chính trị rộng hơn so với trước đây".
Tuy Giám đốc Clissold của Ned Davis vẫn thuộc về phe lạc quan, dự đoán của ông về hành trình hỗn loạn trong năm tới cho thấy rất khó để có được sự tin tưởng.
Ông kỳ vọng S&P 500 kết năm 2022 ở mốc 5.000 điểm – cao hơn 6,3% so với giá đóng cửa gần nhất – nhưng trước đó sẽ có lúc giảm ít nhất 10%. Điều này có nghĩa là chuỗi tăng tiến ổn định của thị trường sẽ kết thúc. Trong 13 tháng qua, thị trường chứng khoán Mỹ chỉ phải hứng chịu duy nhất một đợt thoái lui hơn 5%.
Lưu ý ông Clissold gửi khách hàng ngày 8/12 viết: "Gần như chắc chắn rằng tình hình năm 2022 sẽ không thân thiện với thị trường. Chúng tôi dự kiến tốc độ tăng của thị trường sẽ giảm đi, xảy ra thêm nhiều đợt thoái lui, khả năng lớn về một đợt điều chỉnh hai chữ số và nguy cơ thực sự về một thị trường giá xuống nông".
Dự đoán chứng khoán sẽ như thế nào sau 13 tháng luôn là nhiệm vụ khó khăn, nhưng diễn biến của thị trường Mỹ trong hai tuần qua đã chứng tỏ việc này là vô ích.
Ngay khi nhà đầu tư tin chắc rằng chủng Omicron và hơi hướng diều hâu của Fed có thể đánh dấu chấm hết cho các lời hô hào bắt đáy, những kẻ chớp thời cơ lại một lần nữa xuất hiện và giúp đẩy S&P 500 lên gần sát đỉnh kỷ lục.
Các chuyên gia dự báo đã có một năm 2021 đầy vất vả, với nhiều ý đúng nhưng cũng không ít lần phải bẽ bàng. Trong tháng 1, dự báo cao nhất cho chỉ số S&P 500 là 4.400 điểm. Kết phiên 8/12, S&P 500 đạt 4.701 điểm.
Ông Clissold thừa nhận một ẩn số khó lường có thể làm đảo lộn dự báo của ông: Biên lợi nhuận. Ông ước tính biên lợi nhuận sẽ giảm 30 điểm cơ bản vì áp lực tiền lương mặc dù chỉ tiêu này hiếm khi suy giảm trong thời kỳ kinh tế mở rộng. Năng lực vắt thêm lợi nhuận từ doanh số của doanh nghiệp Mỹ là nền tảng của một loạt bất ngờ tốt đẹp đối với chứng khoán.
Một yếu tố không chắc chắn khác gắn với kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed. Tuy việc ngân hàng trung ương nâng tăng lãi suất không phải lúc nào cũng giết chết thị trường giá lên, tốc độ tăng có ảnh hưởng rất lớn đến chứng khoán trong năm đầu của chu kỳ thắt chặt. S&P 500 trung bình tăng 11% nếu Fed hành động từ tốn và giảm 2,7% nếu Fed thắt chặt nhanh chóng.
Mô hình Cycle Composite của của Ned Davis báo hiệu sự sụt giảm lớn trong nửa đầu năm 2022 trước khi thị trường phục hồi.
"Mức độ tác động của COVID-19, rủi ro chuỗi cung ứng và lạm phát đến nền kinh tế sẽ quyết định liệu xu hướng sụt giảm của Cycle Composite trong nửa đầu năm 202 có thành hiện thực không", Giám đốc Clissold nói thêm.
Trước rủi ro biến động gia tăng, ông khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn cổ phiếu vốn hóa lớn chất lượng cao và những công ty tăng trưởng ổn định.