Cho phép nhập khẩu heo sống giết mổ, giá heo hơi có dấu hiệu hạ nhiệt
Lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu heo sống
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến giá heo hơi trong nước bị đẩy lên mức kỉ lục lịch sử hơn 100.000 đồng/kg, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có văn bản đồng ý phương án nhập khẩu heo sống để giết thịt của Cục Thú y.
Sau khi hoàn thành bước đánh giá hồ sơ, Cục Thú y phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu liên hệ và tổ chức họp trực tuyến với các cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để trao đổi về những vướng mắc, thu thập các thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.
Các doanh nghiệp nhập khẩu heo sống phải tuân thủ các qui định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước. Trong đó, cần xem xét qui định cách li 30 ngày để theo dõi sức khỏe của heo trước nhiều loại bệnh tật như lở mồm long móng, dịch tả châu Phi, tai xanh và các dịch bệnh khác.
Từ trước tới nay, Việt Nam chỉ cho phép doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo đã giết mổ - đông lạnh và sản phẩm chế biến từ thịt heo vào nội địa.
Không cho phép nhập khẩu heo sống vào Việt Nam vì lo ngại làm lây lan các nguồn dịch bệnh (trừ heo nái, heo giống nhập khẩu sau khi được cơ quan thú y kiểm dịch chặt chẽ). Thế nhưng hiện nay, cơ quan quản lí nhà nước đã đồng ý cho nhập cả heo sống vào Việt Nam.
Theo Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đây là lần đầu tiên cho phép nhập khẩu chính ngạch heo sống (nguyên con) từ các nước để hạ giá heo hơi và heo thịt trong nước đang cao. Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ xem xét nhập khẩu heo từ Thái Lan.
Các qui trình nhập khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ để tránh hiện tượng nhập ồ ạt, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong nước.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, việc kiểm dịch nhập khẩu heo sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng qui định và trình tự hiện hành. Dự kiến, trong tháng 6 sẽ có lô heo sống đầu tiên được nhập khẩu sau khi Việt Nam và nước xuất khẩu thống nhất thủ tục xuất nhập khẩu.
Ngay sau khi có thông tin chính thức từ Bộ NN&PTNT, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng thực hiện các thủ tục xin phép nhập khẩu, chuẩn bị đưa heo về cách li và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (Hà Nội), cho biết doanh nghiệp sẽ nhập heo từ cửa khẩu Thái Lan - Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) rồi chuyển về trại của doanh nghiệp tại Hà Tĩnh để cách li 30 ngày trước khi đưa đi giết mổ.
"Hiện chúng tôi đang phối hợp với đối tác xuất khẩu của Thái Lan làm việc với Cục Thú y Thái Lan để thúc đẩy quá trình đàm phán song phương Thái Lan - Việt Nam về thủ tục xuất nhập khẩu.
Do có cùng đối tác xuất khẩu là Công ty Inspired Nutrient (liên doanh Thái Lan và Đan Mạch) nên chỉ cần có giấy phép nhập khẩu, 3-5 ngày sau, heo Thái Lan sẽ về đến Việt Nam để thực hiện cách li kiểm dịch theo qui định", ông Sum cho biết.
Nhập khẩu heo sống để kéo giảm giá heo là đúng đắn?
Thực tế, trước tình trạng heo hơi liên tục sốt giá vì nguồn cung thiếu hụt sau dịch tả heo châu Phi, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT tập trung tái đàn. Tuy nhiên, không thể một lúc có thể khắc phục ngay được.
Theo tính toán của các Bộ ngành thì ít nhất phải đến cuối năm 2020 thì đàn heo cả nước mới có thể trở lại như trước khi có dịch.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết đàn heo năm 2019 giảm 21% so với năm 2018, tuy nhiên báo cáo của địa phương thì con số này có thể lên tới hơn 50%. Trong đó, các doanh nghiệp lớn chiếm khoảng 35% thị phần, 65% còn lại thuộc về hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng đang gặp khó khăn khiến nguồn cung đang thiếu lại càng thêm thiếu.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc CTCP Việt Nam Kĩ Nghệ Súc Sản (Vissan), cho biết: "Vissan hiện vẫn đang mua heo từ C.P. và các công ty lớn nhưng thời gian gần đây sản lượng thu mua của doanh nghiệp sụt giảm khoảng 20% so với số lượng bình thường công ty giết mổ khoảng 1.100 - 1.200 con heo".
Nguyên nhân nguồn cung khan hiếm cộng với giá tăng cao khiến sản lượng cung ứng ra thị trường của Vissan cũng tiết giảm theo.
Ngoài ra, ông Phú cho rằng việc tái đàn hiện nay của doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi không đơn giản do phải đảm bảo an toàn sinh học cùng với việc kiểm soát dịch tả heo châu Phi trước nguy cơ tái phát trên diện rộng.
Do đó, theo đại diện Vissan: "Việc Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu heo sống là đúng đắn trong thời điểm này, bởi nó sẽ giải quyết được tình trạng tăng giá của heo trong nước, về lâu dài thì việc nhập khẩu heo giống sẽ hỗ trợ việc tái đàn trong thời gian tới".
Hiện Bộ Nông nghiệp cũng cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu lượng lớn heo giống (110.000 con), heo giống bố mẹ, cụ kị, ông bà... khoảng 15.000 con về tái đàn. Các lô heo này sẽ được cách li theo qui định và bổ sung vào đàn heo giống hiện có trong nước sẽ đảm bảo đủ lượng heo giống cho chăn nuôi giai đoạn 2020-2024.
Bên cạnh đó, ngoài các giải pháp đẩy mạnh tái đàn, Bộ NN&PTNT cũng cho phép tăng nhập khẩu thịt từ các nước Canada, Mỹ, Nga, Đức... Từ đầu năm 2020 đến nay khoảng 67.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt được nhập về Việt Nam, với giá nhập bình quân 60.000 đồng/kg.
Mức giá này rẻ hơn thịt trong nước rất nhiều, thế nhưng người tiêu dùng vẫn không mấy mặn mà do thói quen dùng thịt sống. Do đó sản lượng bán ra chủ yếu chỉ là bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, căng tin…
Ông Nguyễn Đăng Phú cho biết hiện công ty vẫn nhập thịt heo từ nhiều nước với lượng trữ bình quân 2.000 - 3.000 tấn. Gần đây, khi giá heo hơi trong nước lên cao, chính sách nhập lại "dễ thở" và nguồn nhập đa dạng nên ngày càng có nhiều đơn vị trong nước nhập thịt heo với lượng lớn.
"Tuy nhiên, dù thịt heo nhập khẩu về nhiều nhưng công ty chỉ dùng cho chế biến. Nếu khách sỉ có nhu cầu, Vissan vẫn bán thịt heo đông lạnh. Còn phần lớn người tiêu dùng vẫn thích hàng tươi sống hơn.
Đây là vấn đề tâm lí, thói quen tiêu dùng chứ không phải vấn đề chất lượng. Do đó, xu hướng dùng thịt đông lạnh thay thế thịt nóng vẫn chưa thể một sớm một chiều mà người tiêu dùng chịu thay đổi", ông Phú cho hay.
Có thể thấy, hai giải pháp hiện hành là tái đàn và nhập khẩu đang được đẩy mạnh triển khai nhưng thực tế chưa thể giải quyết hiệu quả bài toán giá heo hơi cao chót vót và ngày càng tăng trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu heo sống về giết thịt thì giá heo hơi đã có tín hiệu hạ nhiệt khi những ngày gần đây, xu hướng tăng nóng đã không còn, thay vào đó là sự sụt giảm của nhiều địa phương trên cả nước.
Ghi nhận giá heo hơi miền Bắc hôm nay (2/6), chỉ còn duy nhất Thái Bình là địa phương giữ đỉnh 100.000 đồng/kg, trong khi Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình, điều chỉnh giảm từ 1-2 giá.
Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá heo hơi cũng bắt đầu xuất hiện chiều hướng giảm tại Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, riêng Ninh Thuận giảm đến 4.000 đồng/kg.
Tại miền Nam hôm nay hạ nhiệt tại nhiều địa phương với mức giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg và hiện không còn tỉnh, thành nào giữ được mốc 100.000 đồng/kg trong khi trước đó khu vực này ghi nhận có đến gần 10 địa phương cùng đạt kỉ lục.
Bộ NN&PTNT cho rằng, việc nhập khẩu heo sống là một trong những biện pháp tiếp theo để giúp hạ nhiệt giá thịt trong nước và đáp ứng thị hiếu thích ăn thịt nóng của người Việt.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/