|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chờ đợi cú nổ tiếp theo của giá tiêu sau sự trầm lắng những tháng cuối năm

20:08 | 15/12/2021
Chia sẻ
Thị trường tiêu những tháng cuối năm chững lại sau thời gian bùng nổ vừa qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo giá tiêu tháng đầu năm 2022 có thể tăng trở lại và trở nên hấp dẫn hơn.

Thị trường cuối năm trầm lắng vì kẹt vốn

Giá tiêu những tháng cuối năm bắt đầu hạ nhiệt sau khoảng thời gian bứt phá trong quý III. Theo đó, trong vòng một tháng rưỡi, giá tiêu để mất mốc quan trọng là 90.000 đồng/kg, xuống còn khoảng giảm khoảng 82.000 đồng/kg. 

Chờ đợi cú 'nổ' tiếp theo của giá tiêu sau sự trầm lắng những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Diễn biến giá tiêu từ đầu tháng 11 đến 10/12. (Số liêu: Tổng hợp, Biểu đồ: H.Mĩ. Đơn vị: Đồng/kg)

Giá tiêu mỗi khi đến các ngưỡng quan trọng (60.000 - 70.000 - 80.000 đồng/kg) thường quay đầu giảm do giới đầu cơ bán ra để chốt lời. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn bứt phá trở lại. 

Tuy nhiên, lần này lại khác khi giá tiêu mất mốc 90.000 đồng/kg suốt từ đầu tháng 11 cho đến nay vẫn cho có dấu hiệu tăng bật trở lại. Thậm chí, thị trường có vẻ trầm lắng hơn khi giá không còn biến động trong biên độ lớn như trước đây.

Trao đổi với người viết, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê lý giải do người mua, đặc biệt là thương nhân Trung Quốc, giới đầu cơ, hiện đã cạn tiền sau thời gian dài tích cực mua gom ở giai đoạn giá tăng nóng. 

"Các ông lớn hiện đã đủ hàng và nguồn tiền cũng đã cạn kiệt. Thương nhân Trung Quốc cũng hạn chế mua hàng. Một số đầu cơ cũng đã chốt lời để chuyển sang gom cà phê bởi thời gian gần đây giá mặt hàng này liên tục tăng", ông Bính cho biết. 

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong tháng 10 và 11, Trung Quốc giảm mạnh việc mua hàng từ Việt Nam, với lượng nhập khẩu chỉ đạt lần lượt 546 và 463 tấn, chưa bằng một nửa so với tháng 9 và thấp hơn rất nhiều lần so với trung bình các tháng.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, các hãng khai thác tàu trung chuyển quốc tế đã quyết định kéo dài thời gian tạm ngừng dịch vụ ít nhất 6 tuần cho đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Động thái này có thể khiến cung ứng thêm đứt đoạn.

Chờ đợi cú 'nổ' tiếp theo của giá tiêu sau sự trầm lắng những tháng cuối năm - Ảnh 2.

Xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2021. (Số liệu: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Biểu đồ: H.Mĩ)

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Đồng thời, đây cũng là thị trường trường có sức ảnh hưởng khá lớn đến giá tiêu Việt Nam. 

Thị phần hồ tiêu của Việt Nam tại thị trường này chiếm khoảng 32%, tăng từ mức 26% trong năm 2020. Tuy nhiên, hiện thị phần của Việt Nam tại Trung Quốc vẫn đứng sau Indonesia (51%), theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu. 

Ngoài ra, vị này cho hay thời gian qua người dân cũng bán ra nhiều, đặc biệt là ở khu vực Đắk Nông, để trang trải nợ nần và tái đầu tư cho vụ mới. 

Chờ đợi "cú nổ" trong năm 2022

Mặc dù thị trường gần đây trầm lắng nhưng nhìn vào bức tranh tổng thế, giá tiêu trong nay đã có cú bứt phá ngoại mục sau nhiều năm "lay lắt" vì khủng hoảng dư cung. 

Nếu so với trung bình năm 2020, mức giá hiện tại tăng tới khoảng 2 lần khiến nhiều người tin rằng "thời" của ngành tiêu đang quay trở lại bởi sản lượng trong niên vụ vừa qua giảm mạnh, thị trường dần quay về trạng thái cân bằng cung - cầu, thậm chí có thể thiếu hụt nguồn cung.

Cũng bởi vì thế mà xuất khẩu tiêu trong 11 tháng đầu năm được "cứu cánh" khi lượng giảm 7% nhưng giá trị lại tăng tới 43% lên gần 870 triệu USD. Với mức giá như hiện nay, ngành hồ tiêu được kỳ vọng sẽ quay trở lại đường đua mặt hàng tỷ đô sau 3 năm vắng bóng.

"Nguồn hàng hiện không còn nhiều, chủ yếu nằm trong tay "nhà giàu". Tôi cho rằng, tháng 1/2022 thị trường sẽ hấp dẫn trở lại khi các đại lý, thương nhân đẩy mạnh mua vào để chuẩn bị cho các đơn hàng của tháng 2 và tháng 3. Lúc này giá tiêu sẽ bứt phá trở lại", ông Bính nói.

Trong báo cáo cập nhật tình hình thị trường nông sản mới đây, Cục Xuất nhập khẩu trích nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu rằng với những tín hiệu tích cực của thị trường trong thời gian tới, giá tiêu có thể vượt mốc 100.000 đồng/kg.

Theo ông Phan Minh Thông,  Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cho rằng giá tiêu sẽ tiếp tục bền vững từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, giá có thể có những cuộc "bùng nổ" bởi sản lượng giảm. 

Về dài hạn, Thông cho rằng để phát triển bền vững ngành hồ tiêu, các doanh nghiệp cần đầu tư hơn về chế biến sâu, máy móc hiện đại, tập trung vào các sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, cần khắt khe hơn nữa về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể thuyết phục được các thị trường khó tính như châu Âu. 

H.Mĩ