Cho đấu giá nợ xấu: Định giá nợ xấu thế nào?
Quốc hội đã đồng ý đưa vào luật các quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC).
VAMC được giao thực hiện đấu giá nợ xấu
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dẫn yêu cầu tại nghị quyết Trung ương 4, nhấn mạnh việc giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của VAMC trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ. Đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, giữ quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam tại dự thảo luật.
Tuy nhiên, các quy định bán đấu giá nợ xấu trong dự thảo luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung lại cho chặt chẽ, minh bạch, khách quan... tránh thất thoát tài sản Nhà nước (trong quá trình đấu giá).
Theo đó, luật không cho phép tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam bán đấu giá theo trình tự, thủ tục rút gọn. Mà, giao Chính phủ quy định chi tiết việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.
Đồng thời bổ sung nghĩa vụ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam ngoài các nghĩa vụ như yêu cầu cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành nhằm đề cao trách nhiệm cá nhân...
Trước đó, ngày 24/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đưa ra hai phương án về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu.
Phương án 1: Tại khoản 9 Điều 4 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để sử dụng cho VAMC. Do vậy, xin sử dụng cụm từ này để tiếp thu bổ sung mục 3 gồm 2 điều về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương IV. Đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung trong Luật như khoản 2 Điều 2 về đối tượng áp dụng, điểm o khoản 1 Điều 3 về tài sản đấu giá...
Phương án 2: Không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án Luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này. Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013 theo tinh thần của Luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của Luật.
Nêu quan điểm, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, không nên để VAMC là tổ chức đấu giá trực tiếp nợ xấu. “Không nên để VAMC là tổ chức đấu giá nợ xấu, tài sản đảm bảo nợ xấu, mà nên một tổ chức độc lập thực hiện, như thế sẽ đảm bảo tính khách quan, độc lập”, vị ĐB tỉnh Lạng Sơn nói.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng không đồng tình nếu giao VAMC là tổ chức thực hiện đấu giá nợ xấu. Ông Cường phân tích, khi bán tài sản dù là nợ xấu thì cũng là tài sản của Nhà nước, nên phải thực hiện qua các tổ chức đấu giá.
“Nếu giao cho VAMC vừa quản lý tài sản nợ xấu, vừa bán nợ xấu thì không khác gì tạo ra sự không bình đẳng, các cơ quan khác không được bán VAMC lại được bán”, ĐB Hoàng Văn Cường nói và lo ngại khi Điều 53 của dự thảo luật quy định, quy trình bán đấu giá tài sản nợ xấu được thực hiện tự do.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt, những tiêu cực, kẽ hở trong đấu giá tài sản là vấn đề rất lớn cần phải tính toán kỹ. Bởi lâu nay có nhiều doanh nghiệp èo uột, làm ăn kém hiệu quả nhưng hồ sơ lại rất hoành tráng, rồi từ đó xuất hiện nhiều “công ty ma”.
Ông Việt đề nghị luật ban hành, làm sao việc đấu giá tài sản phải đặt lợi ích của Nhà nước lên trên hết, chứ không phải là tổ chức, hay cá nhân nào đó.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật, tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng đề nghị đối với những loại hình đấu giá như chứng khoán, hay đấu giá từ thiện cần phải hết sức cân nhắc, không đưa vào luật này mà nên thực hiện theo các luật chuyên ngành để đảm bảo tính thống nhất. Đặc biệt, việc đấu giá tài sản phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tránh “quân xanh, quân đỏ”…