Chịu tác động bởi COVID-19, xuất khẩu cá ngừ của Ecuador giảm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tới nhiều nước sản xuất cá ngừ trên thế giới.
Về mặt thị trường, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ thấp và xuất khẩu giảm đã khiến cho các nước sản xuất cá ngừ như Ecuador cảm thấy lo lắng về thị trường trong thời gian tới.
Quốc gia Nam Mỹ đang chi phối khá lớn nguồn cung cá ngừ cho thị trường EU này đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung cá ngừ nguyên liệu từ đội tàu trong nước.
Theo thông tin từ TUNACONs, nguồn cung cá ngừ nguyên liệu thô tại cảng Manta cho Ecuador đang ở mức thấp và sản lượng cá ngừ đóng hộp cũng thấp hơn bình thường.
Đây là kết quả của việc phần lớn các đội tàu đánh bắt đang phải cập cảng do các kiểm dịch bắt buộc và các biện pháp mà họ buộc phải thực hiện sau khi các thành viên thủy thủ đoàn được chuẩn đoán nhiễm virus corona.
Theo báo cáo, có ít nhất 15 tàu của Ecuador đã phải ngừng đánh bắt vì lý do này và ít nhất 4 ngư dân Manta đã bị tử vong bởi COVID-19.
Mặc dù điều kiện đánh bắt tại khu vực Đông Thái Bình Dương (EPO) vẫn tốt, nhưng do có ít tàu hoạt động tại vùng biển này nên sản lượng đánh bắt của Ecuador hiện đang ở mức thấp.
Ngoài ra, việc quay vòng thủy thủ đoàn cũng đang gặp khó khăn vì các ngư dân không thích lên thuyền vì sợ COVID-19. Điều này cũng đã làm giảm sản lượng đánh bắt cá ngừ của đội tàu Ecuador.
VASEP cho biết do sản lượng khai thác giảm, nên các nhà máy chế biến tại Ecuador đang phải dựa vào lượng nguyên liệu tồn kho của mình vì nguồn cung cá ngừ nguyên liệu không đủ để cung cấp cho họ.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có tới 50-60% tàu đánh bắt của Ecuador phải ngừng khai thác do COVID-19.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở khu vực EPO, mà còn xảy đối với nguồn cung cá ngừ nguyên liệu thô từ các khu vực biển khác cho Manta, như Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO) hay Đại Tây Dương.
Điều đáng nói, trong khi cá ngừ từ các khu vực biển khác được chế biến dành cho tiêu thụ nội địa, cá ngừ từ khu vực EPO được sản xuất chế biến để xuất khẩu chủ yếu sang thị trường EU, nhằm đáp ứng quy tắc về xuất xứ nguồn gốc theo quy định trong Hiệp định thương mại tự do giữa Ecuador và EU.
Dự báo tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ trở nên phức tạp hơn khi lệnh cấm khai thác Veda đầu tiên tại khu vực EPO có hiệu lực vào ngày 31/7.
Với lệnh cấm này, các tàu sẽ phải ngừng khai thác trong 71 ngày mỗi năm, nhưng với tình hình hiện tại nhiều tàu của Ecuador có thể ngừng hoạt động tới hơn 120 ngày trong năm 2020.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác tại khu vực EPO rất tốt, cao hơn 20% so với mức thông thường, điều này đã giúp các nhà sản xuất đồ hộp tích trữ được đủ lượng nguyên liệu tồn kho để vượt qua giai đoạn virus corona bùng phát tại Ecuador.
Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của các nhà máy dự kiến sẽ giảm rõ rệt trong thời gian áp dụng lệnh cấm tại khu vực EPO. Chính vì vậy mà xuất khẩu cá ngừ của Ecuador năm nay chắc chắn sẽ sụt giảm so với cùng kỳ.
Hiện Ecuador đang là nhà cung cấp chính cá ngừ đóng hộp cho thị trường EU. Năm ngoái, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của nước này sang EU đạt mức cao kỷ lục 120.000 tấn. Tuy nhiên, Ecuador cũng xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng túi và thịt cá ngừ sang các thị trường khác.
Nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường đang tiếp tục giảm, cụ thể là nhu cầu từ các ngành dịch vụ thực phẩm và kinh doanh ăn uống. Mặt khác, sức mua từ các chuỗi siêu thị và các cửa hàng bán lẻ khác đã trở lại bình thường.
Điều này đã giúp duy trì mức doanh số bán cá ngừ đóng hộp của Ecuador đạt mức cao nhất trong giai đoạn diễn ra đại dịch COVID-19, tuy nhiên tình trạng này sẽ không thể kéo dài.
Tổng sản lượng sản xuất cá ngừ đóng hộp hàng năm của nước này không chỉ sụt giảm do nguồn cung nguyên liệu thô giảm mà còn do các biện pháp an toàn đang được các nhà máy sản xuất đồ hộp áp dụng, các biện pháp này khiến các nhà máy phải giảm quy mô sản xuất hàng ngày.
Ngoài ra, các đội tàu đánh bắt cỡ vừa và nhỏ của Ecuador cũng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các đội tàu này đang phải yêu cầu các khoản vay từ các ngân hàng để duy trì hoạt động của mình, tuy nhiên điều này không dễ dàng gì.
Hơn thế nữa, giá cá ngừ lại không ổn định khiến cho các chủ tàu gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động.