|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường Ba Lan kém hấp dẫn cá ngừ Việt Nam do thuế cao

07:58 | 22/06/2020
Chia sẻ
Việt Nam cũng đang là 1 trong số 10 nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn nhất cho thị trường Ba Lan. Tuy nhiên, do các sản phẩm của Việt Nam khi xuất sang thị trường Ba Lan phải chịu thuế cao 20,5% nên không thể cạnh tranh nổi với Philippines và Ecuador.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Ba Lan là thị trường nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp lớn thứ 10 trong khối EU tính đến năm 2019. 

Trong số các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp, Ba Lan nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp hay đóng túi, đặc biệt là thịt cá ngừ xé vụn (flake) đóng hộp. Sau sự sụt giảm vào năm 2017, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp vào Ba Lan tăng trưởng liên tục.

Theo số liệu thống kê của Eurostat, năm 2019 nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Ba Lan đạt 10.216 tấn, tăng 21% so với năm 2017, và 2% so với năm 2018. Trong 5 năm qua, nhu cầu đối với cá ngừ đóng hộp tại Ba Lan chỉ biến động nhẹ, xung quanh mức 10.000 tấn.

Phần lớn nguồn cung cá ngừ đóng hộp cho thị trường Ba Lan là từ các nước bên ngoài khối EU, chiếm gần 65% tổng khối lượng nhập khẩu của thị trường này trong năm 2019. 

Trong số đó, Philippines và Ecuador là 2 nguồn cung cá ngừ đóng hộp ngoài khối lớn nhất cho thị trường Ba Lan. Năm 2019, xuất khẩu của các nhà chế biến đồ hộp của Philippines sang thị trường này đã có bước nhảy vọt 41% so với năm 2018, đạt 3.138 tấn. 

So với năm 2017, quốc gia Châu Á này đã có sự tăng trưởng hơn 60%, điều này đã giúp Philippines trở thành nhà cung cấp chi phối phần lớn thị trường bán lẻ của Ba Lan.

Cũng giống như Philippines, Ecuador đang tăng thị phần của mình trong năm 2019  thêm 30% so với năm 2018, nước này đã giao ít nhất 39 container 20ft cho thị trường này. 

VASEP cho hay sự gia tăng xuất khẩu của hai quốc gia này được cho là nhờ giá các sản phẩm cá ngừ đóng hộp vào thị trường Ba Lan có sức cạnh tranh tốt. 

Hơn thế nữa, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp nhập khẩu từ hai nguồn cung này vào Ba Lan đang được hưởng mức thuế ưu đãi 0%.

Trong khi đó, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp từ các nguồn cung lớn trong nội khối của Ba Lan, như Đức hay Hà Lan lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. 

Hà Lan là một quốc gia tái xuất khẩu với lượng container đến tại cảng Rotterdam được phân phối lại thông qua các kho và hàng hóa được vận chuyển đến các thị trường EU khác như Ba Lan. 

Năm 2019, xuất khẩu cá ngừ của Hà Lan sang Ba Lan đang bị sụt giảm tới hơn một nửa, chỉ đạt 601 tấn. Tương tự, các chuyến hàng di chuyển từ Hamburg và Bremen ở Đức qua đường bộ đến Ba Lan đã giảm 22% trong năm 2019.

Việt Nam cũng đang là 1 trong số 10 nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn nhất cho thị trường Ba Lan. Tuy nhiên, do các sản phẩm của Việt Nam khi xuất sang thị trường Ba Lan phải chịu thuế cao 20,5% nên không thể cạnh tranh nổi với Philippines và Ecuador.

Một quốc gia Châu Á sản xuất đồ hộp khác là Thái Lan, nước từng thống trị tại các thị trường EU cách đây một thập kỷ, hiện đang gần như bị xoá sổ tại thị trường Ba Lan. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của nước này năm 2019 đã giảm tới 97% so với năm 2016. 

Cũng giống như Việt Nam, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Thái Lan xuất khẩu sang thị trường Ba Lan đang phải chịu thuế cao, 24%, điều này đã làm giảm sức hút của các sản phẩm của ngừ đóng hộp Thái Lan với các nhà nhập khẩu Ba Lan.  

Như vậy, có thể thấy thuế quan đang là nguyên nhân khiến cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam kém ưu thế tại thị trường EU. 

Và do đó, hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, với 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp được miễn thuế. 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Châu Âu như hiện nay, khiến cho nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại các nước này tăng cao, thì EVFTA sẽ mở ra một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đóng hộp đẩy mạnh xuất khẩu sang khối thị trường này, trong đó có Ba Lan.

H.Mĩ