|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chính sách Zero COVID có cản đường xuất khẩu cao su sang Trung Quốc?

07:30 | 25/03/2022
Chia sẻ
Đại diện VRA cho biết doanh nghiệp cao su của Việt Nam hưởng lợi khi mỗi tháng Trung Quốc cần nhập khẩu 385.000 tấn cao su. Tuy nhiên, chính sách Zero COVID gây gián đoạn chuỗi vận tải biển, ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Xuất khẩu cao su theo đường biển có thể bị gián đoạn

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 67.000 tấn, tương đương 117 triệu USD, giảm 53% về lượng và giảm 52% về trị giá so với tháng 1. Dù vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 66% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 210.000 tấn cao su, tương đương 361 triệu USD, giảm 3% về lượng nhưng tăng 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Trước đó, năm 2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dẫn đầu của Việt Nam với 1,4 triệu tấn, tương đương giá trị 2,3 tỷ USD, chiếm hơn 71% xuất khẩu cao su. 

Chính sách Zero COVID có cản đường xuất khẩu cao su sang Trung Quốc? - Ảnh 1.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ

Trao đổi với người viết, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết thông thường, Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng, song nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng 115.000 tấn. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc khá lớn.

Tuy nhiên, VRA cho rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách Zero COVID của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su năm 2022. Trong khi, mặt hàng cao su phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển, do vậy, các yếu tố về vận chuyển hàng hải sẽ có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su tự nhiên Việt Nam.

Trước đó, năm 2021, Trung Quốc đã từng đóng cửa một nhà ga chính tại cảng Ninh Ba - Chu Sơn, cảng nhộn nhịp thứ ba thế giới sau khi một công nhân tại đây mắc COVID-19. Đây là lần thứ hai nước này dừng hoạt động tại một trong những cảng quan trọng nhất.

Ngay cả sau khi Thế vận hội Mùa Đông 2022 kết thúc, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ như phong tỏa các thành phố lớn và đình chỉ tất cả các dịch vụ giao thông công cộng.

Điều đó có khả năng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm cao su, tác động đến nhu cầu cao su tự nhiên trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tỷ lệ xuất khẩu cao su thô vẫn ở mức cao

Dù xuất khẩu cao su sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt song Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dạng thô. Nhiều ý kiến cho rằng điều này gây lãng phí nguyên liệu vì giá trị thấp.

Theo thống kê của VRA, năm 2021, giá trị xuất khẩu của ba nhóm mặt hàng cao su ước đạt gần 9,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu cao su tự nhiên đạt trên 3,3 tỷ USD, gỗ cao su đạt 2,5 tỷ USD và nhóm sản phẩm cao su đạt 3,7 tỷ USD.

Hiện, khoảng 80% lượng mủ khai thác trong nước được xuất khẩu dạng nguyên liệu sơ chế (cao su tự nhiên), còn lại được đưa vào sản xuất các sản phẩm như lốp xe, găng tay, linh phụ kiện, đế giày, băng tải…

Trước đó, giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng hàng năm về kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt 9,3%, trong khi tăng trưởng của sản phẩm cao su cao hơn gần 2 lần, đạt 17,2%. Song đến nay, chưa có tín hiệu cho thấy giá trị và kim ngạch xuất khẩu cao su tự nhiên sẽ giảm.

Đại diện VRA thừa nhận tỷ trọng xuất khẩu cao su thô vẫn ở mức cao và cũng là hạn chế của ngành. Nguyên nhân là Trung Quốc, thị trường xuất khẩu chính của cao su Việt Nam vẫn khá dễ tính, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa quan tâm nhiều đến việc thay đổi theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng.

Chính sách Zero COVID có cản đường xuất khẩu cao su sang Trung Quốc? - Ảnh 3.

Các sản phẩm đệm, gối cao su có giá trị cao. (Ảnh: VRG)

Hiện, khâu xuất khẩu các sản phẩm cao su được chế biến sâu với giá trị gia tăng cao chủ yếu được đầu tư bởi các doanh nghiệp tư nhân và FDI. Và sức ép, cạnh tranh thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng chính là động lực cho các doanh nghiệp này đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm từ cao su.

Đại diện VRA cho rằng dù duy trì xuất khẩu nguyên liệu thô ít mang đến rủi ro cho doanh nghiệp và tạo việc làm nhưng giá xuất khẩu vẫn còn thấp và biến động theo thị trường thế giới. Do vậy, xu hướng trong tương lai, ngành cần nâng cao tỷ trọng chế biến sâu, tránh lãng phí nguyên liệu.

Về vấn đề này, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ cao su trong mối liên kết chuỗi để hình thành những tập đoàn, doanh nghiệp quy mô và hiện đại.

Dự kiến, các doanh nghiệp này sẽ nâng công suất chế biến cao su mủ quy khô đạt 1,2 – 1,5 triệu tấn/năm và đầu tư các cơ sở chế biến cao su sơ chế thành các sản phẩm cao su công nghiệp như săm lốp, găng tay, đệm mút…

Phạm Mơ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.