|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một doanh nghiệp cao su ở Bình Dương lên kế hoạch lãi sau thuế tăng 125% năm nay

16:04 | 24/03/2022
Chia sẻ
Ngành cao su được dự báo triển vọng năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao nên Cao su Phước Hoà lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh so với năm 2021.

Theo báo cáo thường niên 2021, năm 2022, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) đặt mục tiêu doanh thu công ty gần 2.253 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt gần 744 tỷ đồng, tăng 125% so với năm trước.

Tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu năm 2022 đặt ra là 40%. Ngoài ra, công ty dự kiến sử dụng 209 tỷ đồng đầu tư trong năm nay.

Một doanh nghiệp cao su ở Bình Dương lên kế hoạch lãi sau thuế tăng 125% năm nay - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo thường niên của PHR.

Trên cơ sở quỹ đất hiện có, công ty sẽ trình Tập đoàn Cao su Việt Nam xin ý kiến chỉ đạo về việc chuyển đổi đất theo lộ trình từ đất cao su sang khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Trong giai đoạn 2020 - 2025, công ty tập trung hoàn hồ sơ pháp lý, triển khai mở rộng Khu công nghiệp Tân Bình 1.055 ha; làm chủ đầu tư 2 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hội Nghĩa (715 ha) và Bình Mỹ (1.002 ha); khu công nghiệp Tân Lập I (201,62 ha)

Năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt 1.945 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 513 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm trước do năm 2020 công ty phát sinh khoản thu nhập khác từ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi triển khai dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 từ CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 860 tỷ đồng.

Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Sản lượng cao su toàn cầu năm nay sẽ tăng 5,6% so với năm 2021. 

Năm 2023, dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu thiếu hụt, sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028 và có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn.

T.Đan

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.