|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chính sách xuất khẩu gạo nhiều bất cập, Vinafood 1, Vinafood 2 hưởng đặc quyền

07:22 | 19/03/2017
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế xuất khẩu gạo hiện hành đang khiến Vinafood 1 và Vinafood 2 ngồi mát ăn bát vàng, còn các doanh nghiệp tư nhân bị thui chột cạnh tranh, giảm đầu tư.
chinh sach xuat khau gao nhieu bat cap vinafood 1 vinafood 2 huong dac quyen

Xuất khẩu gạo tập trung chủ yếu vào Vinafood 1, Vinafood 2 và các doanh nghiệp nhà nước cấp địa phương.

VFA độc quyền, Vinafood 1, Vinafood 2 đặc lợi

TS. Đặng Quang Vinh, nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, kết quả rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo mà CIEM nghiên cứu cho thấy, thể chế xuất khẩu gạo hiện nay có nhiều bất cập.

Trước khi có nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, cả nước có hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Hiện tại, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo vào khoảng hơn 100 đơn vị.

Mặc dù doanh nghiệp tư nhân ngày càng tham gia nhiều hơn vào thị trường, song xuất khẩu gạo tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp nhà nước như Vinafood 1, Vinafood 2 và các doanh nghiệp nhà nước cấp địa phương, ví dụ như Công ty TNHH một thành viên Cờ Đỏ, tỉnh Long An.

Năm 2008, 10 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất chiếm 70% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Riêng Vinafood 2 và Vinafood 1 đã chiếm tỷ trọng khoảng 40%, và cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp còn lại.

Các doanh nghiệp nhà nước xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng lớn chủ yếu là nhờ các hợp đồng chính phủ hay còn gọi là các hợp đồng tập trung. Các hợp đồng này thường được giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quản lý và phân bổ cho các thành viên của Hiệp hội.

Trong khi đó, các DNNN như Vinafood 1 và Vinafood 2 là những doanh nghiệp đứng đầu VFA và thông thường lãnh đạo của các công ty này cũng là Chủ tịch của VFA.

Mặc dù những năm gần đây, vai trò của các hợp đồng tập trung ngày càng giảm, các hợp đồng này là chỗ dựa quan trọng để các DN này chiếm được ưu thế trên thị trường xuất khẩu gạo.

“VFA có vị thế độc quyền trong xuất khẩu gạo, các DN khác muốn xuất khẩu phải đăng ký với VFA và phải cung cấp rất nhiều thông tin cho VFA, tạo ra môi trường không cạnh tranh. Một số DN tận dụng vị thế độc quyền “ngồi mát ăn bát vàng”, ông Vinh nhận định.

Nghiên cứu của CIEM cho thấy, Nghị định 109/2010/NĐ-CP đã trao quá nhiều quyền cho VFA vàVinafood 2 và Vinafood 1, qua đó tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng và làm giảm hiệu quả của nền kinh tế.

Mặc dù Vinafood 1 và Vinafood 2 có lợi thế chính sách, nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, bị thua lỗ. Quan trọng hơn, họ được giao đàm phán hợp đồng tập trung, nhưng không có động cơ nâng giá xuất khẩu của gạo Việt Nam, giá thường thấp và điều kiện giao hàng không thuận lợi.

Chính vì thế, thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã phải từ chối hợp đồng ủy thác của hai ông lớn này bởi giá quá thấp, dù biết rằng, việc từ chối sẽ khiến “quota” của họ năm sau bị ảnh hưởng.

Cần cải tổ VFA

Chính vì vậy, CIEM đề nghị, để thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị xuất khẩu và tăng thu nhập cho chuỗi giá trị lúa gạo trong nước, Nhà nước không nên tham gia các hợp đồng tập trung và chuyển sang hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán trực tiếp bằng cung cấp thông tin thị trường, dự báo giá gạo, và tiếp cận hệ thống phân phối ở nước ngoài.

“Việc xuất khẩu gạo theo thị trường tập trung với sự chi phối của VFA và các DNNN đang tạo ra động lực méo mó trong chuỗi giá trị lúa gạo, tức là chỉ chú trọng vào đảm bảo có hợp đồng gạo giá trị thấp, giá bán thấp và lãng phí cơ hội trồng giống khác, bán cho thị trường khác với thu nhập cao hơn”, CIEM khuyến cáo.

Ngoài ra, các chuyên gia nghiên cứu của khuyến nghị cần cổ phần hóa DNNN trong ngành lúa gạo và bỏ hết những quyền lực công ban cho VFA. VFA không thể có quyết định trong việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp thành viên, phân phối lợi ích cho các thành viên. VFA chỉ nên là một hội ngành nghề đúng nghĩa.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, nếu không cải tổ VFA, không có cách nào xoay chuyển được chuỗi giá trị lúa gạo.

Được biết, tại cuộc họp về tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ngày 15/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP và các điều kiện tham gia xuất khẩu gạo, cũng như xem lại và xóa bỏ những quyền không hợp lý của VFA.

Thùy Liên