|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính sách visa quá khắt khe, Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị nâng chuẩn lên top hàng đầu chứ không phải trung bình trong ASEAN

07:00 | 03/06/2023
Chia sẻ
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Việt Nam không nên đặt tiêu chuẩn chỉ là mức bình quân mà cần vươn tới mức hàng đầu, top tiến tiến trong ASEAN. Đơn cử như thời gian tạm trú không chỉ nâng từ 15 ngày lên 45 ngày mà nên nâng thẳng lên 60 ngày.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại phiên chiều 2/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ mong muốn Việt Nam nên đặt tiêu chuẩn vươn tới mức hàng đầu, top 3, top 4 trong chứ không phải mức trung bình trong ASEAN.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hà Nội ủng hộ mạnh mẽ với chủ trương về việc cấp visa điện tử và được sử dụng nhiều lần thay cho một lần, nâng thời hạn từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, mở rộng diện, điều kiện cấp visa điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ.

Đại biểu cho hay đã nhận được rất nhiều phản ánh "kêu" về chính sách, thủ tục visa của Việt Nam. “Với quyết định cởi mở hơn và tiếp cận những chuẩn mực quốc tế hàng đầu trong thủ tục về visa, tôi nghĩ là sẽ thúc đẩy được việc xúc tiến thương mại đầu tư và xúc tiến du lịch", đại biểu Lộc nêu rõ.

Theo đại biểu, đây là một món quà quan trọng hàng đầu cho các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài và là một thông điệp rất quan trọng về chính sách tiếp tục hội nhập mở cửa và chào đón các nhà đầu tư kinh doanh toàn cầu đến với Việt Nam.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hà Nội. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Với nội dung nâng thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 đến 45 ngày, đại biểu Lộc đề nghị nâng lên tối thiểu 15 đến 60 ngày.

“Thời gian tạm trú nâng lên 45 ngày chỉ là mức bình quân trong khu vực, nhưng Việt Nam không nên đặt tiêu chuẩn chỉ là mức bình quân mà cần vươn tới mức hàng đầu, nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN, trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì trong lĩnh vực xuất nhập cảnh", đại biểu Lộc nêu đề xuất.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đồng tình chính sách visa chưa phù hợp là một trong những rào cản khiến Việt Nam “đi trước, về sau” trong mở cửa và khôi phục du lịch quốc tế so với các nước trong khu vực ASEAN.

Sau đại dịch COVID-19, với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang được thế giới rất chú ý và rất nhiều các nhà du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư, kinh doanh đang lần lượt có nhu cầu đến Việt Nam tìm hiểu để đầu tư, kinh doanh của nước ta.

Do đó, có đề nghị tăng lên 60 ngày hoặc 90 ngày để thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cấp tạm trú có giá trị nhiều lần để tạo điều kiện cho người nước ngoài.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người Việt Nam tại nước ngoài, các đại biểu đề nghị làm rõ căn cứ để quy định thời hạn thị thực không quá 3 tháng. Có ý kiến đề nghị nên nâng thời hạn thị thực lên không quá 6 tháng.

Cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét nâng thời hạn của thị thực từ 30 ngày lên 45 ngày hoặc 90 ngày. Đề nghị quy định thời hạn thị thực dài hơn đối với người không còn quốc tịch Việt Nam nhưng còn thân nhân ở trong nước.

Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử ở các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử, trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật này.

Hạ An