Chính sách mới của Weibo vô tình tiết lộ bí mật của Elon Musk, Bill Gates và Tim Cook tại Trung Quốc
Chính sách mới của các nền tảng truyền thông mạng xã hội Trung Quốc nhằm hiển thị vị trí của người dùng dựa trên địa chỉ giao thức internet (IP) của họ đã dẫn đến việc một số người khiếu nại về quyền riêng tư bị xâm phạm.
Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra nhiều câu chuyện hài hước khi chính sách này đã vô tình để lộ tài khoản của một số doanh nhân công nghệ phương Tây tại Trung Quốc.
Theo South China Morning Post, tài khoản Weibo chính thức của nhà đồng sáng lập gã khổng lồ Microsoft Bill Gates, người đã tham gia nền tảng truyền thông mạng xã hội Trung Quốc vào năm 2010, được hiển thị ở tỉnh Hà Nam, dựa trên địa chỉ IP của tài khoản của tỷ phú này.
Bill Gates, người hiện có 4 triệu lượt theo dõi trên Weibo, đã hoạt động khá tích cực trên nền tảng này. Dòng trạng thái mới nhất của ông được đăng vào ngày 28/4, nêu bật một bài phát biểu gần đây tại TED.
Trong khi đó, tài khoản Weibo của người sáng lập Tesla, tỷ phú Elon Musk, hoạt động bên ngoài lãnh thổ Bắc Kinh. Tài khoản Weibo của tỷ phú giàu nhất thế giới chỉ có khoảng hơn 2 triệu lượt theo dõi, thấp hơn nhiều so với con số 90 triệu người theo dõi trên trang Twitter cá nhân của ông.
Dòng trạng thái mới nhất trên tài khoản Weibo của Elon Musk được đăng vào ngày 23/4, trong đó doanh nhân này nói rằng “Tesla Trung Quốc đang làm một công việc đáng kinh ngạc”. Dòng trạng thái này dường như ám chỉ việc tán thành nỗ lực của chính quyền Thượng Hải nhằm tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp công nghiệp chủ chốt trong bối cảnh thành phố bị phong tỏa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tài khoản Weibo của CEO Apple Tim Cook được hiển thị có địa chỉ tại Thượng Hải với 1,5 triệu người theo dõi. Dòng trạng thái mới nhất trên Weibo của ông được đăng vào ngày 15/4, có nội dung liên quan đến việc Apple hỗ trợ năng lượng sạch cho các nhà cung cấp của mình.
Thực tế, có thể giải thích một cách đơn giản cho điều này đó là tài khoản Weibo của các doanh nhân công nghệ Trung Quốc chỉ dành cho người theo dõi tại quốc gia này, và được sử dụng bởi các bộ phận được ủy quyền. Do đó, các tài khoản Weibo này chủ yếu đóng vai trò là kênh quan hệ công chúng một chiều. Vì vậy, dễ thấy rằng những tài khoản này rất ít tương tác với người theo dõi.
Tuy nhiên, việc tiết lộ địa chỉ IP của các tỷ phú công nghệ phương Tây đã gây ra cuộc tranh luận ở Trung Quốc. Một số người dùng internet Trung Quốc đã nắm lấy cơ hội này để chế giễu các tỷ phú công nghệ phương Tây bằng cách gọi họ là “những người đồng hương”.
Chính sách mới vấp phải nhiều ý kiến trái chiều
Phía Weibo hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về vấn đề này. Dù vậy, trong một thông báo mới nhất, phía Weibo cho biết việc vị trí của người dùng bị lộ là dựa trên thông tin từ các nhà khai thác mạng.
Việc hiển thị địa chỉ IP trên Weibo là một phần của chiến dịch rộng rãi ở Trung Quốc nhằm tiết lộ vị trí của người dùng đằng sau các bài đăng trực tuyến công khai. Các bài đăng được bắt đầu hoặc chia sẻ bởi các địa chỉ IP bên ngoài Trung Quốc đôi khi bị nghi ngờ là "tiếp tay cho những hành vi xấu từ nước ngoài" vào không gian mạng Trung Quốc nhằm gây rối trật tự xã hội.
Tháng trước, các nền tảng truyền thông mạng xã hội của Trung Quốc, bao gồm Weibo, siêu ứng dụng WeChat, nền tảng Q&A giống Quora Zhihu và Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, bắt đầu hiển thị vị trí của người dùng dựa trên địa chỉ IP của họ, một tính năng mà người dùng không thể tắt.
Vị trí của người dùng, có thể ở một khu vực nào đó tại Trung Quốc hoặc ở một quốc gia bất kỳ nếu địa chỉ IP nằm ở nước ngoài, sẽ được hiện được hiển thị trên trang hồ sơ của họ và cùng với nhận xét của chính người dùng đối với bài đăng của người dùng khác.
Trong khi chính quyền Bắc Kinh thực hiện thắt chặt kiểm soát các nền tảng trực tuyến trong suốt năm qua, những thay đổi mới nhất diễn ra trong bối cảnh người đân ngày càng bất bình về cách cơ quan chức năng xử lý các biện pháp ngăn chặn đại dịch nghiêm ngặt ở những thành phố như Thượng Hải và Trường Xuân.
Bài đăng của người dùng về tình trạng thiếu lương thực, điều kiện khắc nghiệt ở một số bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly và cái chết của một số cư dân mắc bệnh cấp tính bị từ chối điều trị vì các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, đã lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội trước khi bị gỡ xuống.
Các nền tảng truyền thông mạng xã hội tại Trung Quốc cho biết biện pháp mới nhất, không bị pháp luật bắt buộc, nhằm "ngăn chặn cư dân mạng giả danh người dân Trung Quốc và lan truyền tin đồn thất thiện".
Weibo cũng trích dẫn sự cần thiết trong việc hiển thị ví trí của người dùng sau những gì diễn ra tại Ukraine cũng như về đại dịch COVID-19 tại chính quốc gia này.
Dù vậy, biện pháp này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ chính người dùng nội địa Trung Quốc. Một số cho rằng điều này là cần thiết, nhưng nhiều người cũng phản đối và cho rằng hành vi này đã xâm phạm quyền riêng tư và bảo mật.