Chính phủ yêu cầu NHNN cần có giải pháp quản lý chặt giao dịch bằng tiền điện tử
Cơ quan tài chính Mỹ kêu gọi siết quản lý hoạt động tiền điện tử |
19 'trùm' tiền ảo giàu nhất thế giới |
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương có các giải pháp, phản ứng chính sách kịp thời trước những biến đổi không ngừng của tình hình thế giới.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có giải pháp đồng bộ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, quản lý chặt chẽ giao dịch tiền điện tử.
Trước đó, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đồng thời, NHNN cũng phối hợp bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp vào Bộ luật Hình sự.
Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp quản lý chặt chẽ giao dịch bằng tiền điện tử. Ảnh: Zing.vn |
Theo đó, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Theo quy định hiện hành, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng. Từ 1/1/2018 còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ biến động giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Trước mắt, chưa đề cập tăng thuế; giá, phí các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu do nhà nước quản lý. Các bộ quản lý giá chuyên ngành theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, có cơ chế phối hợp điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng; hướng dẫn các địa phương đăng ký, có lộ trình điều chỉnh giá một số dịch vụ thiết yếu phù hợp nhằm bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát.