Chính phủ yêu cầu kiểm soát, ngăn ngừa sở hữu chéo và thao túng hoạt động TCTD
Nghị quyết của Chính phủ cho hay, trong nửa đầu năm, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế đạt 5,73% (quý I là 5,15% và quý II là 6,17%). Mặc dù nền kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Điển hình như việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm; sản xuất công nghiệp tăng chậm, trong đó ngành khai khoáng giảm mạnh.
Ngoài ra, công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra. Tình trạng ô nhiễm môi trường, chặt phá rừng, khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép; tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng và trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp.
Do vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, linh hoạt hơn nữa trong điều hành, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2017, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng đã đề ra của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Chính phủ yêu cầu ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo TCTD. |
Kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo TCTD
Liên quan đến hoạt động của các tổ chức tin dụng (TCTD), Chính phủ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu cơ quan đứng đầu ngành là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và thao túng trong hoạt động của các TCTD; kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; có giải pháp giảm lãi suất cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại ngân sách, xử lý nợ công theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Đồng thời, Bộ cần chống thất thu thuế, nhất là đối với hộ khoán, hộ kinh doanh cá thể. Rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Song song đó, Bộ thực hiện chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát các loại phí, lệ phí để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhất là phí vận tải; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường chứng khoán, sớm đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động.
Xây dựng thị trường tiêu thụ nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn ngành chăn nuôi
Một vấn đề trọng tâm khác là tiêu dùng nội địa. Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương triển khai các giải pháp phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu, có biện pháp kiểm soát nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ.
Bộ cũng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là việc tiêu thụ thịt lợn, gia cầm; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động phương án phòng, chống thiên tai.