|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ xem xét loạt cơ chế đặc thù cho sân bay Long Thành

07:51 | 17/08/2016
Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định cơ chế đặc thù về công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
chinh phu xem xet xay dung loat co che dac thu cho san bay long thanh
Phối cảnh sân bay Long Thành

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về Đề án xây dựng cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định cơ chế đặc thù về công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của dự án.

Sau khi Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan thẩm định xong sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, trong Tờ trình số 6254/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị phê duyệt Đề án xây dựng cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ: Với quy mô diện tích thu hồi lên tới 5.000 ha, trải rộng trên địa bàn 6 xã dự án sân bay Long Thành sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 4.000 hộ dân với 15.000 nhân khẩu. Để đưa vào vận hành giai đoạn I của dự án vào năm 2025, Đồng Nai phải bàn giao ít nhất 2.500ha không chậm hơn đầu năm 2019.

Do đó, bên cạnh việc xây dựng khung chính sách theo Điều 87 Luật Đất đai năm 2013, Đồng Nai đề nghị được xây dựng cơ chế đặc thù nhằm bổ sung các cơ chế, chính sách mà pháp luật chưa quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Hỗ trợ đào tạo nghề… nhằm đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án.

Cụ thể, đề xuất đặc thù đầu tiên là việc tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng cho phép tách công tác bồi thường, GPMB, tái định cư thành các tiểu dự án và giao cho địa phương làm chủ đầu tư để triển khai sớm hạng mục quan trọng này.

Vì nếu để chiếu theo Luật Đầu tư công (2014), Luật Xây dựng (2014) và Luật Đất đai (2013), sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự kiến sớm nhất vào giữa năm 2018), Thủ tướng mới xem xét cho tách tiểu dự án GPMB, bàn giao cho địa phương làm chủ đầu tư thì nhanh nhất cũng phải sau ba năm (2021) mới có thể bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Dẫn đến dự án sẽ không thể hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025 như yêu cầu của Quốc hội.

Cũng theo tờ trình, Đồng Nai xin được phép thực hiện thủ tục thu hồi đất, bồi thường GPMB ngay trong năm 2016 để xây dựng hai khu tái định cư Lộc An và Bình Sơn tại huyện Long Thành; đồng thời đề xuất Chính phủ cho phép địa phương phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư trước khi Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được phê duyệt; Áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, thi công hai dự án tái định cư và xây dựng nghĩa trang huyện Long Thành.

Ngoài ra, Đồng Nai xin một loạt hỗ trợ chưa có trong quy định của pháp luật đối với các hộ dân có nhà, công trình trên đất nông nghiệp; Nhà, công trình đối với người đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước và các trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất.

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.