Chính phủ kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics
|
Cụ thể, Chính phủ sẽ hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics.
Bên cạnh đó, việc đầu tư mở rộng hạ tầng nhằm kết nối hệ thống cảng Việt Nam với các nước láng giềng cũng sẽ được chú trọng. Chính phủ cho biết sẽ tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I tại khu vực Hà Nội, TP HCM. Các trung tâm logistics loại II tại khu vực Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ... sẽ được tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, Chính phủ chú trọng áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong một số ngành như dệt may, da giầy, đồ gỗ, nông sản - thực phẩm, cơ khí - chế tạo.
Chính phủ khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics, tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác.
Bên cạnh đó, việc xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics... cũng sẽ được hỗ trợ.
Trong những năm tới, Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics, thu hút nguồn hàng từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam đi các nước và ngược lại. Chính phủ cam kết hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác, tiếp thị và mở rộng nguồn hàng cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, thúc đẩy phát triển thuê ngoài dịch vụ logistics...
Logistics đóng góp 8 - 10% GDP
Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP cả nước đạt 8 - 10%. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%.
Chi phí logistics phấn đấu giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP. Trước đó, theo ước tính tại Diễn đàn Logistics Việt Nam tháng 11/2016, chi phí này đang ở mức 21 - 25% GDP, tương đương 37 - 40 tỉ USD, được xem là đắt đỏ nhất thế giới.
Mục tiêu đến năm 2025, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Hiện nay, theo xếp loại của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.