Chính phủ đã phê duyệt dự án mở rộng nhà máy Samsung Bắc Ninh trị giá 2,5 tỷ USD
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh rất sốt ruột về dự án mở rộng nhà máy Samsung Bắc Ninh trị giá 2,5 tỷ USD cần thông qua trước Tết Nguyên đán và muốn lên Hà Nội báo cáo với Chính phủ bởi nếu không sớm phê duyệt có thể nhà đầu tư sẽ chuyển sang một nước khác.
“Do thời điểm trước Tết, lên Hà Nội báo cáo báo chí sẽ nghĩ rằng đi chúc Tết, nên tôi có nói không phải lên, việc đâu sẽ vào đó. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng và xử lý vấn đề này ngay trong một ngày, nhà đầu tư rất phấn khởi”, Bộ trưởng nói.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thông tin việc Samsung tiếp tục đầu tư 2,5 tỷ USD vào Bắc Ninh sẽ được công bố nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập và 20 năm tái lập tỉnh tới đây.
Dự án mở rộng nhà máy Samsung Bắc Ninh trị giá 2,5 tỷ USD đã được phê duyệt |
Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (SDV) trong quá trình triển khai mở rộng dự án ở Bắc Ninh. SDV đã bày tỏ nguyện vọng muốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD giải ngân trong 5 năm kể từ năm 2018. Qua đó, nâng mức tổng đầu tư dự án tại Bắc Ninh lên 6,5 tỷ USD.
SDV đặt ra điều kiện là dự án hiện tại của công ty tại Bắc Ninh được chuyển sang hưởng ưu đãi dành cho dự án có quy mô lớn với mức ưu đãi tương đương như mức ưu đãi đang hưởng hiện là dự án công nghệ cao. SDV đề nghị khoản đầu tư bổ sung 2,5 tỷ USD cũng được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như đang áp dụng hiện nay.
Tỉnh Bắc Ninh cho biết, với đề nghị ưu đãi thuế và tiêu chí dự án vượt quá thẩm quyền nên chủ động báo cáo Chính phủ. Đồng thời, tỉnh này kiến nghị Thủ tướng giữ nguyên phần ưu đãi bổ sung, doanh nghiệp được hưởng thêm 3 năm mức giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp cho dự án tại Khu công nghiệp Yên Phong của SDV khi chuyển từ dự án công nghệ cao sang dự án có quy mô lớn.
Về vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại các DNNN và yêu cầu các DN sau khi cổ phần hóa cần niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây là yếu tố bắt buộc, nếu DN nào không thực hiện sẽ bị xử lý, Bổ trưởng nhấn mạnh,
Sẽ có một số DNNN được Nhà nước nắm giữ 100% cố phần, còn những DNNN không cần nắm giữ Chính phủ có chủ trương cho bán hết, có thể bán cả lô, cả gói, bán cho NĐT trong và ngoài nước với tinh thần công khai minh bạch, đấu thầu tư vấn, đấu thầu NĐT, tránh thất thoát, tránh lợi ích nhóm, tránh tiêu cực, đem lại lợi ích cho Nhà nước.
Hiện Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo vấn đề cổ phần hóa tại các DNNN do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban chỉ đạo và đổi mới phát triển doanh nghiệp.