Chiến lược phát triển kinh tế biển của các tỉnh, thành phía Nam
Phát triển kinh tế biển là một trong những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được nhắc đến trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Đây là nguồn lực, cũng là thế mạnh với một quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.200 km với hơn 3.000 đảo lớn nhỏ. Đặc biệt, trong 28 tỉnh, thành phố có biển, thì khu vực phía Nam chiếm gần một nửa, có nhiều thế mạnh về biển như khai thác hải sản, du lịch, cảng biển, nuôi trồng thủy sản, khai thác dầu khí… Do đó, các địa phương khu vực phía Nam cũng đã có nhiều chiến lược phát triển kinh tế biển ổn định và bền vững.
Ngành thủy sản thành chủ lực
Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển; trong đó, xác định đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển có đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 10%; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm soát khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển...
Các địa phương có biển chủ lực như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang đã được Chính phủ phê duyệt thành trung tâm kinh tế biển của cả nước trong 3 năm gần đây. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1289/QĐ-TTg quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia.
Theo ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, địa phương này sở hữu trên 140 đảo lớn nhỏ, diện tích ngư trường hơn 63.200 km2.
Tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, có tiềm năng phát triển ngành kinh tế thủy sản đất liền, trên biển và hải đảo. Với diện tích ngư trường lớn và nhiều loài thủy hải sản có giá trị cao, Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực, đặc biệt chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Thời gian qua, Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo lập quy hoạch, xây dựng các dự án nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi biển, ven biển, quanh các đảo, vùng ven bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đặc biệt là phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, dự án điều tra nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang, sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản của tỉnh, làm cơ sở để triển khai chính sách chuyển đổi nghề, điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy sản thời gian tới.
Cùng với Kiên Giang, tỉnh Cà Mau cũng đang hướng tới là địa phương phát triển kinh tế biển chủ lực. Theo đó, phát triển ngành thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ, tỉnh hướng đến phát triển, ngư, nông, lâm nghiệp hiện đại, thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái hữu cơ.
Riêng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng và vận hành trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản góp phần đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển chuỗi giá trị về thủy sản. Đồng thời, chú trọng phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển.
Song song với phát triển kinh tế biển, đặc biệt là ngành thủy sản, Cà Mau cũng có chiến lược bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển theo phương thức tổng hợp, quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Mở rộng ngành dịch vụ biển
Với thế mạnh là địa phương có cảng nước sâu thuận lợi cho vận hành và lưu thông hàng hải tại khu vực Đông Nam Á và thế giới, đặc biệt, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có thể đưa hàng hóa kết nối trực tiếp với các cảng nước sâu khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, chiếm hơn 45% khối lượng hàng hóa và hơn 60% container thông qua cảng biển Việt Nam.
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, địa phương có cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải là một trong 20 cảng nước sâu có tiềm năng khai thác lớn nhất trên thế giới. Điều này cho thấy Cái Mép Thị Vải là cảng trung chuyển quốc tế, giúp đưa lượng hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới và ngược lại. Cảng có tải trọng tiếp nhận tàu hơn 200.000 tấn nên thuận lợi cho việc phát triển vận tải biển của khu vực nói riêng, logistics Việt Nam nói chung.
Đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành hệ thống cảng biển tổng hợp được quy hoạch là cảng loại đặc biệt cấp quốc gia. Cụ thể, tại hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đã có 22 dự án đi vào hoạt động, với tổng chiều dài cầu bến khu vực Cái Mép - Thị Vải đạt 9.947m; đã có 7 dự án cảng container đi vào hoạt động, công suất thiết kế đạt 6,8 triệu TEU/năm.
Theo đại diện UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để tận dụng và phát huy hiệu quả từ hệ thống cảng biển, tỉnh cũng đã quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp gắn với cảng biển. Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 8.510 ha.
Cùng mục tiêu xây dựng chiến lược cho phát triển kinh tế biển, tỉnh Kiên Giang cũng đã đẩy mạnh phát triển du lịch biển và đưa các thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc trở thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị hướng biển, trung tâm du lịch biển của tỉnh.
Trong số đó, thành phố Phú Quốc là trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của khu vực và thế giới.
Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, hiện tỉnh có rất cần nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để phát triển vùng biển, hải đảo, ven biển Kiên Giang thành khu kinh tế trọng điểm về cảng biển mang tầm cỡ quốc tế để thuận lợi trong giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế, phát triển thành đảo ngọc du lịch Phú Quốc như việc ban hành các khung pháp lý về quy hoạch, quy chế tổ chức, hoạt động; nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài, chế độ tài chính và thủ tục hải quan.
Đồng thời, Kiên Giang có thể áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế thương mại tự do, khu kinh tế mở… tạo sự thuận tiện trong thu hút các đơn vị đầu tư như Vingroup, Sungroup, CEO, BIM, để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch, xây dựng nên những khu dân cư, đô thị hiện đại theo nhu cầu dòng người di cư ra đảo an cư lạc nghiệp.
Tính đến nay, Phú Quốc có 286 dự án đầu tư du lịch, với tổng diện tích 9.656 ha và tổng vốn đầu tư hơn 375.000 tỷ đồng. Trong số những dự án đó, có 47 dự án được khai thác và đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 17.389 tỷ đồng; 78 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư hơn 195.580 tỷ đồng. Những điều này trở thành trợ lực mạnh mẽ cho Kiên Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.