'Việt Nam sẽ là trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á'
- Nhìn lại 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, ông tâm đắc với kết quả nào nhất?
- Cuối năm 2023, Thủ tướng chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để đánh giá quá trình triển khai chiến lược này. Một số điểm nhấn tiêu biểu đã được rút ra, như chính quyền, người dân, doanh nghiệp đã nhận thức ngày càng sâu sắc, đúng vị trí của ngành công nghiệp văn hóa, nên chỉ số ở bình diện quốc gia đạt kết quả rất tích cực.
Giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 đạt 5,82%; năm 2019 đạt 6,02%; năm 2022, sau 2 năm 2020-2021 ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các ngành bắt đầu phục hồi, giá trị đóng góp 4,04%. Giá trị sản xuất công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp bình quân 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Công nghiệp văn hóa đang đóng góp tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập người dân. Giai đoạn 2018-2022, số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa tăng 7,2%/năm. Năm 2022, toàn quốc có hơn 70.300 cơ sở với 2,3 triệu lao động. Năm 2018, công nghiệp văn hóa xuất siêu 37 tỷ USD, năm 2022 tăng lên 41,9 tỷ USD.
Các ngành công nghiệp văn hóa còn góp phần quan trọng đưa văn hóa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, quảng bá hình ảnh, bản sắc, gia tăng sức hấp dẫn, sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Đơn cử Hà Nội, Đà Lạt, Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, là căn cứ vững chắc để Việt Nam xác định mục tiêu giai đoạn tới trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sáng tạo tại Đông Nam Á.
Việt Nam bốn lần được vinh danh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới, cho thấy giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy văn hóa và bản sắc dân tộc, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Nếu chúng ta biết khai thác tài sản trí tuệ, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc thì đây sẽ là nguồn tài nguyên vô tận của quốc gia.
- Với nhiều nước trên thế giới, công nghiệp văn hóa là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể khi xuất khẩu. Tại Việt Nam, vấn đề này được tiếp cận như thế nào?
- Ở cấp độ quốc tế, UNESCO thảo luận về công nghiệp văn hóa từ cuối những năm 70 đầu 80 thế kỷ 20. Hiện nay, công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo là động lực phát triển bền vững. Lĩnh vực văn hóa chiếm tới 6,1% kinh tế toàn cầu với doanh thu hàng năm lên tới 2.250 tỷ USD và gần 30 triệu việc làm.
Năm 2020 xuất khẩu dịch vụ sáng tạo đem về cho Mỹ 206 tỷ USD, Ireland 174 tỷ USD, Đức 75 tỷ USD, Trung quốc 59 tỷ USD, Anh 57 tỷ USD. Trung Quốc dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hàng hóa sáng tạo toàn cầu năm 2020 với 169 tỷ USD, tiếp đó là Mỹ (32 tỷ), Italy (27 tỷ), Đức (26 tỷ).
Tại Việt Nam, từ lâu văn hóa được coi thuộc phạm trù tư tưởng, là nền tảng tinh thần xã hội. Nghị quyết trung ương 5, khóa 8 (1998) về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc lần đầu tiên đề cập đến chính sách kinh tế và khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa. Chuyên gia Hội đồng Anh và UNESCO là những người đầu tiên giới thiệu nội hàm về công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam.
Trong những năm 2007-2014, nhiều hội thảo quốc tế liên quan đến công nghiệp văn hóa đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì. Tuy nhiên, đến năm 2014, Nghị quyết hội nghị trung ương 9 khóa 11 mới chính thức đưa vào văn kiện Đảng cụm từ "công nghiệp văn hóa" và xác định đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Sau đó, năm 2016 Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Từ đó đến nay, nhận thức về vai trò của công nghiệp văn hóa được nâng cao một bước. Hội nghị toàn quốc đầu tiên về công nghiệp văn hóa vừa qua là động lực để các ngành này cất cánh.
- So với mục tiêu công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp 7% GDP, kết quả hiện nay khá khiêm tốn. Ông nói gì về điều này?
- Bên cạnh những kết quả bước đầu, chúng ta cần thẳng thắn nhận thấy công nghiệp văn hóa Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hiện chưa có văn bản pháp luật (luật, nghị định) quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa. Cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu.
Nguồn lực đầu tư dàn trải, chưa có trọng điểm vào một số chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra sản phẩm chủ lực. Nhân lực ngành này cũng thiếu về số lượng và chất lượng bởi chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút. Nội dung, hình thức các sản phẩm phần mềm, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, kiến trúc, thời trang... chưa khai thác hết đặc trưng văn hóa bản địa để tạo độc đáo riêng và lợi thế cạnh tranh.
Một bộ phận doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, nên việc vi phạm và xâm phạm thời gian qua tác động trực tiếp đến những người sáng tạo, gây cản trở việc đầu tư vào lĩnh vực này. Việt Nam là thị trường tiềm năng với dân số trẻ, cởi mở, dễ tiếp cận, nhưng chưa hình thành thói quen, ý thức tôn trọng, bảo vệ, phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa. Tài chính cho công nghiệp văn hóa dù được nâng lên nhưng vẫn thấp so với nhu cầu.
- Hàn Quốc đã gặt hái quả ngọt từ văn hóa, điển hình là điện ảnh, âm nhạc. Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp văn hóa thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Tôi cho rằng Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á. Để làm được điều này, chúng ta cần xác định mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp 7% GDP. Sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải phát triển đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, văn hóa truyền thống, tôn trọng bản quyền, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Chúng tôi sẽ nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để khơi thông cho các ngành công nghiệp văn hóa với chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp. Ba trung tâm công nghiệp văn hóa tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng sớm hình thành; mở rộng mạng lưới thành phố sáng tạo với Quảng Ninh, Quảng Nam, Kiên Giang, Huế, Đà Lạt...
Ngành văn hóa cũng sẽ đẩy mạnh giao lưu, liên doanh, liên kết với các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...; bổ sung chỉ số thống kê ngành công nghiệp văn hóa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia để có chính sách đầu tư, lộ trình phát triển phù hợp.
Chúng ta có dân số trẻ, năng động, thích nghi nhanh với xu hướng thế giới, nên các lĩnh vực ưu tiên phát triển sẽ dựa trên lợi thế này, đơn cử như điện ảnh. Năm 2023, điện ảnh đạt mốc tăng trưởng mạnh về giá trị thương mại phim Việt với doanh thu 1.080 tỷ đồng - kỷ lục trong lịch sử phòng vé.
Phần mềm và trò chơi giải trí Việt Nam năm 2022 đạt doanh thu 148 tỷ USD, với tổng nhân lực 1,2 triệu người, đưa nước ta đứng vị trí thứ hai trên thế giới về xuất khẩu phần mềm. Doanh thu games Việt năm 2022 đạt 665 triệu USD, thứ 5 Đông Nam Á và là trung tâm khu vực về lập trình game và xuất khẩu phần mềm game.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ phát triển nghệ thuật biểu diễn; thiết kế; thủ công mỹ nghệ; du lịch văn hóa, xây dựng các thương hiệu sản phẩm gắn với vùng miền... Tôi hy vọng những ngành này sẽ góp phần quan trọng chấn hưng và phát triển văn hóa đất nước.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/