|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chiếm đoạt quĩ bảo trì chung cư: Góc nhìn của Bộ Xây dựng và chuyên gia

19:29 | 12/11/2020
Chia sẻ
Theo Bộ Xây dựng, có đến 10% trong tổng số các tòa chung cư trên cả nước vẫn tồn tại những vấn đề về quĩ bảo trì.
Chiếm đoạt quĩ bảo trì chung cư: Góc nhìn của Bộ Xây dựng và chuyên gia - Ảnh 1.

Tại Hà Nội, có 233/632 tòa chung cư chưa bàn giao phía bảo trì. (Ảnh: Hoàng Huy).

Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết đến hết năm 2019, cả nước có khoảng 4.422 nhà chung cư, trong số đó hơn 90% số lượng nhà chung cư được quản , vận hành an toàn, ổn định.

Mặc dù vậy, khoảng 10% trong số đó vẫn còn những mâu thuẫn liên quan đến chậm tổ chức hội nghị chung cư, chậm thành lập Ban Quản trị; tranh chấp quĩ bảo trì nhà chung cư; xác định sở hữu chung, sở hữu riêng.

Bên cạnh đó còn một số tranh chấp như thu chi tài chính, qui chế hoạt động của Ban Quản trị, giá dịch vụ, đơn vị vận hành, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, chất lượng công trình...

Tại Hà Nội, theo phản ánh của cử tri, ở quận Bắc Từ Liêm chỉ có 76/114 tòa chung cư đã thành lập ban quản trị, trong đó 22 tòa chưa bàn giao quĩ bảo trì.

Trong khi đó, quận Nam Từ Liêm có 159 tòa chung cư, song có 32 tòa nhà chưa được thành lập ban quản trị và 37 tòa chưa bàn giao phí bảo trì.

Tương tự, quận Thanh Xuân có 112 tòa chung cư đã đưa vào sử dụng, nhưng chỉ mới có 90 tòa thành lập Ban quản trị và 7 tòa chưa bàn giao phí bảo trì.

Phản hồi từ Bộ Xây dựng 

"Nguyên nhân của thực trạng này là do một số qui định pháp về quản và sử dụng nhà chung cư còn chưa đầy đủ, rõ ràng. 

Một số chủ đầu tư cũng chưa đủ năng lực để thực hiện dự án và chưa quan tâm tới nghĩa vụ sau bán hàng, không công khai đầy đủ các thông tin theo qui định”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời.

Về giải pháp, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành những qui chuẩn về nhà chung cư và đã bổ sung các chế tài xử phạt vi phạm hành chính. 

Trong thời gian tới, Nghị định 99 hướng dẫn Luật Nhà ở cũng sẽ được sửa đổi, tập trung vào vấn đề kinh phí bảo trì nhà chung cư, rõ hơn về mức thu, phương thức thu, quản lí, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư, mô hình quản trị nhà chung cư.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng bày tỏ ủng hộ việc chuyển cơ quan điều tra để xem xét, xử các chủ đầu tư cố tình vi phạm quĩ bảo trì nhà chung cư.

Chiếm đoạt quĩ bảo trì chung cư: Góc nhìn của Bộ Xây dựng và chuyên gia - Ảnh 2.

Tình trạng chậm bàn giao phí bảo trì chung cư nhìn chung đã giảm trong 1 - 2 năm trở lại đây. (Ảnh: Hoàng Huy).

"Chủ đầu tư lớn thường minh bạch về phí bảo trì"

Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Quản lí và bảo trì toà nhà Việt Nam (VBMA).

Theo ông Hùng, khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, tình trạng chậm bàn giao phí bảo trì chung cư nhìn chung đã giảm. Các chủ đầu tư ngày càng làm việc chuyên nghiệp, công khai và minh bạch.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm bàn giao quĩ bảo trì: Do năng lực của chủ đầu tư; do thỏa thuận khi mua bán nhà không rõ ràng hoặc chủ đầu tư chiếm dụng sai mục đích, nhập số tiền này vào tài khoản của mình để kinh doanh...", ông Hùng nói.

Bản thân từng mua nhà chung cư, ông Hùng cho rằng người mua nhà cần ý thức được lợi ích của mình, đầu tiên cần tìm hiểu về năng lực của chủ đầu tư, về những dự án đã đi vào hoạt động trước đó của họ.

Bên cạnh đó, khi thực hiện hợp đồng mua bán, ưu tiên lựa chọn điều khoản nộp phí bảo trì vào một tài khoản được chủ đầu tư lập riêng, không liên quan đến tài khoản mua bán căn hộ. Những chủ đầu tư lớn thường công khai, minh bạch số tiền 2% này.

Liên quan đến việc chậm cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, theo qui định 50 ngày sau khi bàn giao nhà mà chủ đầu tư chưa cấp giấy chứng nhận thì có thể xử phạt lên đến 1 tỉ đồng.

Đối với những trường hợp này, Bộ Xây dựng ủng hộ xử nghiêm khắc, chuyển cơ quan điều tra những chủ đầu tư cố tình chậm trễ, chây ì cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà.


Hoàng Huy