|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chiếm 19% trong tổng dư nợ tín dụng, cho vay SME còn tồn tại nhiều vấn đề

16:56 | 15/03/2023
Chia sẻ
Đại diện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng lãi suất cho vay còn ở mức cao, có nhiều loại phí, cần các gói hỗ trợ, nới lỏng điều kiện vay, giãn hoãn nợ,... để nhiều doanh nghiệp SME có thể tiếp cận được vốn và trụ vững được trong bối cảnh khó khăn chung hiện tại.

 Toàn cảnh hội nghịcác giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. (Ảnh: DB).

Chiều 15/3, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức. hội nghị các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. 

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định các doanh nghiệp tư nhân nói chung và SME nói riêng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xác định SME là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng TCTD tập trung vốn cho vay.

Theo số liệu từ NHNN, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với SME tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với SME đạt 2,18 triệu tỷ đồng tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế, phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và Xây dựng (40,85%).

Trong đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm 48,05% dư nợ cho vay SME, khối ngân hàng cổ phần cho vay chiếm 47,43%.

Cho vay SME tồn tại nhiều vấn đề

Mặc dù SME là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay đối với SME vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được xác định từ nhiều phía. Về khách quan, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, tác động đến sản xuất kinh doanh nói chung và hiệu quả hoạt động của SME nói riêng.

Một trong những nguyên nhân chính khiến SME khó tiếp cận vốn vay là không đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng về vốn, phương án kinh doanh, tài sản bảo đảm,...

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các SME là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trên 65% số DN cả nước là DN siêu nhỏ với quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị còn hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, thiếu tài sản bảo đảm.

Các doanh nghiệp này thường không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định. Nhiều DN chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khiến các TCTD khó khăn trong việc quản lý dòng tiền.

Phần lớn SME gặp khó trong việc vay vốn là DN mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới. Vì vậy, TCTD không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ. Một số SME đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao khó tiếp cận được vốn vay.

Nhiều SME không được cấp vốn do phương án vay chưa khả thi, chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường. Thực trạng cho thấy các DN nhỏ còn rất hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Đa phần các DN này chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, chỉ coi công tác lập dự án là thủ tục để huy động vốn.

Trong khi đó, các ngân hàng cho biết  không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng. Đối với các chương trình vay ưu đãi lãi suất đối với 5 lĩnh vực, các DN cũng phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để mới có thể tiếp cận được.

Để khắc phục vấn đề này, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội đề xuất giải pháp là ngân hàng cùng vào cuộc với doanh nghiệp để xây dựng phương án khả thi và đó là cơ sở để ngân hàng cấp vốn. Dòng tiền từ doanh nghiệp cũng nên được chuyển về ngân hàng để ngân hàng có thể quản lý được dòng tiền.

Bà cũng cho rằng Chính phủ nên có gói vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp sản xuất như dệt may, giày da, gỗ,... với thủ tục thông thoáng hơn và lãi suất thấp hơn từ 2-3%.

Lãi suất cũng là vấn đề được nhiều đại diện hiệp hội, doanh nghiệp nhắc đến trong buổi thảo luận. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà  - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên, cho rằng lãi suất cho vay dài hạn của ngân hàng hiện tại là quá cao, mười mấy phần trăm trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp có khi chỉ vài %. Nên doanh nghiệp không dám vay, không có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh.

"Ngân hàng có quá nhiều loại phí, họ có thể cho vay với lãi suất 7%/năm nhưng khi cộng thêm các khoản phí có thể lên đến mười mấy %", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp SME Đà Nẵng cho biết.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn khiến cho nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả các khoản nợ đã được cơ cấu và khoản nợ đến hạn dẫn đến việc bị chuyển nhóm nợ và khó tiếp cận được vốn vay. 

Đại diện các hiệp hội cũng mong cũng sẽ được giãn hoãn nợ như nhóm ngành bất động sản vừa qua. "Một số doanh nghiệp cần phải được hoãn nợ và giãn nợ, nếu bị ngân hàng siết nợ thì họ có thể sẽ phá sản",Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên nói.

Ngoài ra, những vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến DN SME không đáp ứng điều kiện vay của ngân hàng có thể kể đến nhưtình trạng quy hoạch treo, công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công; tài sản thế chấp tại các khu công nghiệp;...

Các gói hỗ trợ như gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng khó giải ngân, doanh nghiệp khó tiếp cận.Tính đến tháng 1, giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất mới chỉ đạt hơn 134 tỷ đồng, tương đương khoảng 0,34% tổng quy mô gói (40.000 tỷ đồng). 

Một số nguyên nhân được nhắc tới như: khó tách phần chi phí được hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề; nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh giảm đã không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất, đánh giá về “khả năng phục hồi”,...  

Các quỹ hỗ trợ "không hoạt động"

Ngoài các vấn đề từ ngân hàng và khách hàng, đại diện các Hiệp hội tham dư hội nghị còn cho rằng cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho SME thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng cho SME và Quỹ phát triển SME còn chưa hiệu quả. 

Dư nợ tín dụng có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng các địa phương đã tăng từ 411 tỷ đồng năm 2016 lên 648 tỷ đồng năm 2017, nhưng sau đó giảm dần qua các năm 2018-2022. Tổng dư nợ có bảo lãnh của quỹ đến cuối tháng 2/2023 đạt 261 tỷ đồng với hai ngân hàng phát sinh dư nợ là Agribank và Vietcombank. 

Về phía Quỹ Phát triển SME, đến nay chưa phát sinh cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp, nên doanh nghiệp chưa thể tiếp cận trực tiếp các nguồn vốn này.

Kết luận hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng triển khai hiệu quả, kịp thời chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN, trong đó có đối tượng thụ hưởng là SME.

Đồng thời, tiếp tục tập trung vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ SME triển khai tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp cần chủ động tham gia Chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn và làm việc trực tiếp với khách hàng vay vốn để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phù hợp với quy định pháp luật.