|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chi tiêu chắt bóp vì... thuế

08:25 | 28/08/2019
Chia sẻ
“Đề nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc tăng lên, đồng thời không cào bằng ngưỡng chịu thuế, bởi ở những thành phố lớn, giá cả rất đắt đỏ”, đó là mong muốn chung và đề xuất của giới chuyên gia luật sư khi nói về việc cần sửa thuế TNCN thời gian tới.

Giảm trừ người phụ thuộc 3,6 triệu là quá thấp

Chị Thu Hoa, nhân viên văn phòng tại một công ty bất động sản ở Hà Nội chia sẻ, năm 2013, gia đình tôi có 3 thành viên gồm vợ chồng và 1 bé. 

Thời điểm bấy giờ, mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, giảm trừ cho người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. “Lương 2 vợ chồng hơn 20 triệu đồng/tháng nhưng đủ khoản chi tiêu như tiền thuê nhà, tiền học cho con.

Cần kiệm chi tiêu cả tháng, nhà tôi cũng đủ sống ở Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ với 2 con đi học trường công, chúng tôi đã phải chi hơn 4 triệu đồng/tháng/cháu, chưa kể chi phí học ngoại khóa, mua sắm quần áo và đồ dùng cá nhân, chi tiêu sinh hoạt gia đình ăn uống... 

Lương 2 vợ chồng tăng lên khoảng gần 30 triệu đồng/tháng nhưng nhà nước vẫn giữ mức giảm trừ gia cảnh như cũ là không hợp lý”, chị Hoa nói.

Chị Hoa phân trần, hiện tại mỗi tháng, vợ chồng chị phải chịu gần 8 triệu đồng/tháng tiền thuế TNCN. Tính từ năm 2013 đến nay đã bao nhiêu lần tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí ... kể cả lương cơ bản cũng tăng theo lộ trình, kéo theo giá sinh hoạt mọi thứ đều tăng cao.

"Sau 6 năm mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ nguyên. Cơ quan nhà nước sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân quá chậm so với thực tế. Mình có co kéo thế nào cũng khó mà đủ chi phí cho cả gia đình giờ phải gánh thêm thuế nữa", chị Hoa cho hay.

Ðề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh

Luật sư Bùi Sinh Quyền (Đoàn Luật sư Hà Nội) đề nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc tăng lên, đồng thời không cào bằng ngưỡng chịu thuế bởi ở những thành phố lớn giá cả rất đắt đỏ. 

Vì vậy, nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hằng năm áp dụng cho người lao động ở 4 vùng I, II, III và IV để tính mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.

"Mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế tính từ năm 2019 là 4 lần mức lương tối thiểu vùng, mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc vẫn là 40% mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế", ông Quyền nói.

Ví dụ mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế năm 2013 ở mức 9 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 3,8 lần lương tối thiểu và mức giảm trừ cho người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng - tương ứng 40% mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.

Do đó mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế tính từ năm 2019 là 4 lần mức lương tối thiểu vùng, tương ứng 16,72 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc là 40% mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế tương ứng khoảng 6,7 triệu đồng/người/tháng. Với cách này không lo trượt giá phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế.

Bất bình đẳng

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, mức thuế thu nhập cá nhân theo lũy tiến, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35% đang được áp dụng hiện nay làm tỉ lệ thuế trên thu nhập là khá cao. 

Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp trước đây là 32% doanh thu, sau các lần điều chỉnh, đã giảm dần xuống lần lượt còn 28%, 25% và hiện nay là 20%.

Trong khi đó thuế thu nhập cá nhân từ khi có biểu thuế hiện nay cao nhất vẫn là 35%. Khoảng cách điều tiết biểu thuế cũng rất dày, chỉ cần thu nhập nhích một chút là lên bậc thuế cao hơn. Tiền thuế tăng có khi còn nhiều hơn tiền được nhận thêm.

Theo bà Cúc, ngoài kéo giãn khoảng cách bậc thuế, thuế thu nhập cá nhân cần xét thêm các khoản giảm trừ. 

Ở một số nước, trong thu thuế thu nhập cá nhân chính phủ cũng giảm trừ dựa trên hóa đơn mua hàng rồi đưa vào chi phí. Trong khi doanh nghiệp được trừ những khoản chi phí trước khi xác định doanh thu chịu thuế thì với thuế thu nhập cá nhân, người dân lại không hề được giảm trừ.

Ngọc Mai