|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chi tiền tỉ để kiểm tra hàng nhập khẩu

09:35 | 04/10/2016
Chia sẻ
Chỉ trong năm 2015, chỉ tính chi phí tối thiểu của 3 loại phí: kiểm dịch, an toàn thực phẩm và kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu, doanh nghiệp đã phải bỏ ra 1.637 tỉ đồng để thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu hàng hóa.

chi tien ti de kiem tra hang nhap khau

Ông Nguyễn Hoài Nam của VASEP trình bày ý kiến tại hội nghị. Hội nghị lần này là lần thứ n mà các doanh nghiệp đã tham gia nhưng việc thay đổi được đánh giá là... chưa được bao nhiêu. Ảnh: Nguyễn Vân

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo tham vấn "Định hướng sửa đổi, bổ sung một số luât về quản lý chuyên ngành" do CIEM và dự án GIG (Mỹ) tổ chức hôm nay 3-10 tại TPHCM nhấn mạnh, số tiền kể trên chưa bao gồm phí cấp giấy phép và các loại giấy tương tự, chi phí tiền vay, chi phí lưu kho lưu bãi, chi phí lao động và các chi phí cơ hội khác.

Trong số này, theo bà Thảo, chỉ tính tối thiểu mức chi phí kiểm tra chuyên ngành cho một tờ khai phí kiểm dịch là 200.000 đồng và kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm là 2 triệu đồng.

Lý giải thêm về cơ sở để tính ra con số trên, bà Thảo cho biết, hiện tại chỉ có Cục Hải quan TPHCM thống kê được số tờ khai nhập khẩu phải kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra chất lượng. Số lượng của cả năm 2015 là 56.270 tờ khai kiểm dịch; 132.356 tờ khai kiểm tra an toàn thực phẩm và 407.802 tờ khai kiểm tra chất lượng. Tổng số tiền doanh nghiệp phải bỏ ra là 1.091 tỉ đồng.

Mất 3,3 triệu ngày/năm để kiểm tra chuyên ngành

Hiện tại, hàng hóa qua TPHCM hiện chiếm 40-50% lượng hàng của cả nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành cũng cao hơn nơi khác. Vì vậy, chỉ tạm tính số lượng tờ khai thuộc diện kiểm tra chuyên ngành phát sinh ở 32 cục hải quan còn lại tối thiểu bằng 50% của TPHCM và có chi phí khoảng 546 tỉ đồng.

Bà Thảo cũng dẫn một số ví dụ cụ thể tại hội nghị. Chẳng hạn, có doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng 8 máy làm mát trị giá 8.000 đô la Mỹ, tương đương 165 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên đến 134 triệu đồng thực hiện tại Quatest 1, chưa kể chi phí vận chuyển.

Hay lại có doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản một năm hết 6 tỉ đồng cho việc thực hiện kiểm tra chất lượng hàng thủy sản. Chi phí này gồm phí kiểm tra và lưu container tại kho.

Bên cạnh đó, theo bà Thảo, nếu chỉ tính thời gian tối thiểu 2 ngày để hoàn thành các lô hàng kiểm tra chuyên ngành thì mỗi năm, doanh nghiệp mất 3,3 triệu ngày.

Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, chuyên gia dự án GIG nhấn mạnh, đây chỉ là những con số tối thiểu mà nhóm khảo sát tạm dùng để tính toán. Trên thực tế, con số cao hơn rất nhiều lần.

Oái ăm hơn, hiện tại, có hẳn dịch vụ để thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành này. Nhóm khảo sát đã tham khảo một bảng chào giá dịch vụ do một công ty tư vấn dịch vụ an toàn thực phẩm cung cấp. Theo đó, giá để công bố hợp quy an toàn thực phẩm của một sản phẩm thông thường là từ 4,2 đến 4,5 triệu đồng với thời gian 25-30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ cho Cục An toàn thực phẩm qua mạng. Với sản phẩm thực phẩm chức năng thì con số là 12 triệu đồng với thời gian 30-45 ngày. Chi phí cho công bố nhanh cộng thêm một nửa chi phí nói trên.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phát biểu, vấn đề nằm ở chỗ, các câu chữ của luật, chẳng hạn như Luật Chất lượng sản phâm hàng hóa 2007 quy định, chi phí lấy mẫu, thử nghiệm để kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất và hàng hóa trên thị trường do cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa quyết định việc này chi trả (điều 41). Hay điều 48, Luật An toàn thực phẩm nói rằng, chi phí lấy mẫu, kiểm nghiệm thực phẩm để kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm do cơ quan quyết định việc này chi trả. Khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm thì phải tự chi trả chi phí.

Tuy nhiên hiện nay, cứ kiểm tra là doanh nghiệp phải chi tiền, không phân biệt cái nào nhà nước chi, cái nào doanh nghiệp chi.

Các ý kiến trái chiều về việc sửa luật

Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng kể trên là do vướng mắc các quy định của các bộ, ngành và trong cả quy định của luật. Do đó, CIEM kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật.

Đó là Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007, Luật an toàn thực phẩm 2010 và Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010. Các nội dung sửa đổi phải quán triệt đầy đủ mục tiêu, giải pháp về cải cách quản lý chuyên ngành theo ba nghị quyết 19 của Chính phủ, đó là thay đổi căn bản phương thức; minh bạch hóa, hiện đại hóa và áp dụng thông kệ quốc tế.

Chẳng hạn với Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, theo ông Phạm Thanh Bình, điều 48 đang khiến các cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu, dù nhập khẩu cùng một sản phẩm và sản phẩm đó đã được doanh nghiệp khác công bố hợp quy phải thực hiện đầy đủ các thủ tục... Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung điều 48 này theo hướng việc chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn thực hiện cho cả dòng sản phẩm, không phải từng sản phẩm riêng lẻ. Bên cạnh đó, chỉ cần chứng nhận cho lô sản phẩm nhập khẩu đầu tiên, còn các sản phẩm cùng dòng sản phẩm không phải thực hiện.

Tuy nhiên, ý kiến này bị người trong ngành phản ứng. Ông Đoàn Thanh Thọ, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho rằng, như vậy là trái với bản chất khoa học và nguyên tắc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Không những vậy, điều này cũng trái với các cam kết và thông lệ quốc tế do có sự phân biệt đối xử và không khuyến khích, bảo vệ trong nước… Vì vậy, không cần sửa Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thì bày tỏ, có những quy định, họ đã “đấu tranh”, kiến nghị ròng rã nhiều năm qua nhưng không được các cơ quan chức năng sửa đổi, dù ai cũng thấy sai, ai cũng nói là phải chờ Chính phủ, Quốc hội…

Chẳng hạn, VASEP từng gửi 7 văn bản đến Bộ Y tế kiến nghị không cần công bố hợp chuẩn, hợp quy cho hàng phụ liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu vì làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, tốn chi phí, thời gian và thậm chí không thể thực hiện. Vậy nhưng, đến nay, vẫn chưa được giải quyết. Hay đến nay, dù Luật an toàn thực phẩm đã có hiệu lực nhưng các cơ quan thực thi vẫn sử dụng một văn bản do Thủ tướng Chính phủ ký nói về việc chỉ cho thông quan khi có kết quả kiểm dịch.

Theo ông Đỗ Phước Tống, Phó chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, Chính phủ đã có các nghị quyết nhưng bộ ngành không làm thì mọi thứ sẽ đi vào quên lãng và doanh nghiệp thì cứ chịu trận. Vấn đề quan trọng là chế tài xử lý việc ban hành nghị định, thông tư sai, trái luật, đến nay vẫn không có nên người ta vẫn cứ làm theo ý của mình. Do vậy, việc quan trọng bên cạnh việc một luật sửa nhiều luật như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm là phải có chế tài cụ thể đối với việc không chấp hành của các cơ quan cấp dưới.

Theo Minh Tâm

TBKTSG