|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chỉ số giá thực phẩm của FAO tăng nhẹ gần 1% trong tháng 9

13:26 | 10/10/2017
Chia sẻ
Chỉ số giá thực phẩm của FAO tăng 0,8% so với tháng 8 lên 178,4 điểm trong tháng 9, và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá dầu thực vật và sản phẩm từ sữa tăng.
chi so gia thuc pham cua fao tang nhe gan 1 trong thang 9
Chỉ số giá thực phẩm FAO. Nguồn: fao.org

Theo đó, chỉ số giá dầu thực vật trung bình là 171,9 điểm trong tháng 9, mức cao nhất trong 7 tháng, tăng so với 164,4 điểm đạt được trong tháng 8 và là tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Chỉ số này tăng chủ yếu nhờ giá dầu cọ được củng cố trong bối cảnh sản xuất tại Đông Nam Á giảm và nhu cầu của các công ty nhập khẩu tăng vì lượng tồn kho tại các quốc gia nhập khẩu ở mức thấp.

Giá dầu đậu nành cũng tăng, chủ yếu phản ánh lo ngại về sự khởi đầu chậm chạp cho việc gieo trồng ở Nam Mỹ, dù giá tăng đã bị kìm hãm do sản lượng thu hoạch vượt qua ước tính trước đó tại Mỹ. Ngoài ra, giá dầu hạt cải và dầu hướng dương cũng đóng góp vào sự đi lên của chỉ số.

Chỉ số giá sản phẩm từ sữa tháng 9 tăng 2,1% so với tháng 8 lên 224,2 điểm, và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng vẫn thấp hơn 18,6% so với mức cao nhất đạt được vào tháng 2/2014. Chỉ số tăng trong tháng 9 là nhờ nguồn cung bị thắt chặt tại Australia, New Zealand và Liên minh châu Âu, trong khi tăng trưởng tại Mỹ tiếp tục ở mức thấp. Bơ và pho mai vẫn là những sản phẩm từ sữa có nhu cầu cao nhất, đặc biệt là tại châu Á. Tuy nhiên, giá sữa bột không béo và sữa bột nguyên kem quốc tế giảm vì nhu cầu thấp.

chi so gia thuc pham cua fao tang nhe gan 1 trong thang 9
Nguồn: fao.org

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 9 là 152,2 điểm, giảm 1% so với tháng 8. Dù chỉ số giảm 2 tháng liên tiếp, nhưng vẫn tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi chỉ số giá thịt không đổi so với tháng 8 ở 173,2 điểm, nhưng tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong tháng 9, giá thịt cừu tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ, đặc biệt là tại vùng Trung Đông và Đông Nam Á, cùng với đó là nguồn cung bị hạn chế ở Châu Đại Dương. Ngược lại, giá thịt lợn giảm nhẹ vì nguồn cung ở Brazil được cải thiện. Thị trường thịt bò và thịt gia cầm vẫn có nguồn cung tốt nên giá duy trì ổn định.

Tương tự, giá đường cũng gần như không đổi so tháng 8, nhưng giảm 33% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ số giá đường giảm từ đầu năm phản ánh thị trường thế giới vẫn còn tình trạng dư thừa nguồn cung, cùng với đó là nhu cầu suy yếu.

Tố Tố

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).