|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chi phí nguyên liệu tăng mạnh bắt đầu phản ánh vào giá thép

09:50 | 25/11/2023
Chia sẻ
Đà tăng giá nguyên liệu đang được phản ánh một phần vào giá thép trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, nhu cầu thép trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ bắt đầu phục hồi.

Giá thép đồng loạt tăng trước áp lực chi phí lớn

Ngành thép Việt Nam đang đối diện với làn sóng tăng giá nhập khẩu của một loạt nguyên liệu đầu vào. Giá quặng sắt giao trong tháng 12 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 10% kể từ đầu tháng 11 đến nay, đạt 133 USD/tấn do thị trường hy vọng Bắc Kinh sẽ vực lại ngành bất động sản.

So với mức thấp nhất trong năm thiết lập hồi tháng 5, giá quặng tăng tới 54%. Khối lượng mua vào liên tục tăng tăng mạnh kể từ đầu tháng 10.

 Diễn biến giá quặng sắt trong một năm qua (Đơn vị: USD/tấn, nguồn: Barchart)

Theo Reuters, các nhà phân tích của Citi Group hôm thứ Ba (21/11) đã nâng mức dự báo giá quặng sắt của họ lên 140 USD/tấn.

Mới đây, cơ quan quản lý Trung Quốc cảnh báo các nhà giao dịch rằng không nên “thổi phồng” giá nguyên liệu chính sản xuất thép này. Cảnh báo trên dường như không làm giảm bớt tâm lý lạc quan của thị trường với kỳ vọng nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng đột biến. 

Tương tự với quặng sắt, giá than thời gian qua cũng tăng phi mã. Tính từ tháng 5 đến nay, giá than luyện cốc tại Trung Quốc tăng khoảng 55% lên 1.930 nhân dân tệ/tấn. 

Cùng lúc, giá điện bán lẻ bình quân trong nước cũng đã trải qua hai lần tăng liên tiếp kể từ tháng 5, với mức tăng khoảng 7,6% so với đầu năm.

Đà tăng giá nguyên liệu đang được phản ánh một phần vào giá bán thép trong thời gian gần đây. Từ ngày 21/11, một số doanh nghiệp sản xuất thép tăng 110.000 - 410.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, tùy từng thương hiệu, chủng loại. Như vậy, giá thép đã tăng trở lại sau khoảng 3 tháng đi ngang.

Điển hình như Hoà Phát nâng 150.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300 tại miền Bắc. Hiện, giá hai dòng thép lần lượt ở mức khoảng 13,6 triệu đồng/tấn và 13,9 triệu đồng/tấn.

 Số liệu: Steelonline (H.Mĩ tổng hợp)

Thép Pomina miền Trung có giá bán cao nhất. Thép cuộn CB240 và thép D10 CB300 lần lượt ở mức khoảng 14,6 triệu đồng/tấn và 14,8 triệu đồng/tấn, sau khi nâng giá 110.000 đồng/tấn và 410.000 đồng/tấn.

Với mặt hàng tôn mạ, Hoa Sen và Hoà Phát mới đây đồng loạt thông báo nâng giá bán với mức tăng 200.000 đồng/tấn. Ngoài ra, Hoa Sen cũng nâng giá bán ống thép 300.000 đồng/tấn từ 1/12.

Đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cho biết ngay từ giữa tháng 11, nhiều nhà sản xuất đã thông báo cắt hỗ trợ, cắt chiết khấu thép xây dựng. 

Ở đợt điều chỉnh giá lần này, hầu hết nhà sản xuất chỉ tăng giá mặt hàng thép cuộn xây dựng với mức tăng 100.000 đồng/tấn. Bên cạnh đó, cũng có một số nhà máy tăng cả giá thép thanh vằn và thép cuộn ở mức từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn.

“Bước tăng giá lần này được đánh giá là tương đối khiêm tốn trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào đã tăng nhiều hơn”, đại diện VNSTEEL cho hay. 

Song vị này cho rằng mặc dù mức tăng giá thép xây dựng của đợt điều chỉnh này tương đối thấp, những người tham gia thị trường đều kỳ vọng sự cải thiện về giá lẫn sức mua sẽ được duy trì từ nay cho tới hết năm 2023 và đây sẽ là bước đệm để toàn ngành thép bước vào một năm 2024 phục hồi thuận lợi.

Nhu cầu thép sẽ phục hồi từ năm 2024

Nói về triển vọng của năm 2024, ông Đinh Quốc Thái – Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định lượng tiêu thép tăng 6,7% so với năm 2023 lên 21,67 triệu tấn. Sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7,4% so với năm nay.

 Số liệu: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Theo VNSTEEL, các động lực tăng trưởng chính của nhu cầu thép Việt Nam năm 2024 phụ thuộc vào triển vọng được cải thiện của thị trường bất động sản trong nước và sự cải thiện của các thị trường xuất khẩu lớn. 

Ngành thép Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường bất động sản nội địa sẽ được hồi phục từ năm sau khi luật đất đai sửa đổi được thông qua sẽ tháo gỡ hàng loạt.

Đồng thời nút thăt áp lực tài chính được cởi bỏ, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà. Điều này dẫn tới nhu cầu thép Việt Nam sẽ phục hồi trở lại từ năm 2024. 

Tình hình tiêu thụ thép trên thế giới năm 2024 cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi. Trong báo cáo triển vọng ngắn hạn, Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo nhu cầu thép năm 2024 tăng thêm 2%, lên 1,84 tỷ tấn. 

Trong những tháng gần đây, tình hình tiêu thụ thép bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là thép xây dựng. Theo số liệu của VSA, lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 10 tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái lên 870.541 tấn. Trong đó, xuất khẩu  tăng 60% lên 168.227 tấn. Đây là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận tiêu thụ thép xây dựng thoát khỏi mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái.

Song, ông Thái cho rằng mặc dù nền kinh tế trong nước có dấu hiệu khởi sắc những tháng gần đây nhưng tính chung cả năm 2023, lượng tiêu thụ thép sẽ giảm 8,6% so với năm 2022 xuống 20,3 triệu tấn. 

“Ngành thép chịu những sức ép lớn từ nền kinh tế thế giới và trong nước suy yếu kéo dài từ giữa năm 2022 đến năm 2023. Do đó sản xuất và tiêu thụ thép năm nay dự kiến sẽ giảm so với năm 2022”, ông Thái cho biết. 

H.Mĩ