Chi phí chăn nuôi có thể vẫn giữ ở mức cao trong năm 2023
Trang Seafood Source mới đây dẫn phân tích của ngân hàng Rabobank, các nhà sản xuất protein động vật trong đó bao gồm ngành thuỷ sản cần phải dự báo và cần có những điều chỉnh phù hợp để đối mặt với những thách thức về tính bền vững và các mối đe doạ dịch bệnh để tiếp tục cạnh tranh trên trường trong dài hạn.
Báo cáo “Triển vọng Protein động vật toàn cầu năm 2023” của ngân hàng Rabobank cho biết năm 2022 ghi nhận giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do gián đoạn chuỗi cung ứng và các vấn đề địa chính trị. Những vấn đề tương tự này có thể lặp lại trong năm 2023, ảnh hưởng đến tiêu thụ.
Ông Justin Sherrard, Chiến lược gia Toàn cầu về Protein Động vật của Rabobank dự báo chi phí sản xuất sẽ tăng cao trong toàn bộ chuỗi cung ứng và thói quen tiêu dùng trong năm 2023 cũng sẽ thay đổi.
Do đó, lợi nhuận của nhà sản xuất có thể giảm vì các chi phí như thức ăn, năng lượng cao hơn.
Ông Sherrard cho biết: “2022 là một năm chưa từng có đối với ngành công nghiệp protein động vật. Các công ty đã phải vật lộn với giá đầu vào tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và xung đột địa chính trị, nhiều vấn đề trong số đó vẫn chưa được giải quyết khi chúng ta bước sang năm 2023. Những yếu tố này đã làm tăng chi phí trên toàn thị trường. Điều đáng nói chi phí tăng nhanh nhưng khi giảm thì lại rất chậm”.
Rabobank dự báo giá sẽ duy trì ở mức cao vào năm 2023, mặc dù thị trường protein động vật có sản lượng tăng trưởng ổn định nhờ nguồn cung nuôi trồng thủy sản và gia cầm ngày càng tăng.
Sherrard cho biết: “Điều này làm giảm nguồn cung thịt bò do sự sụt giảm ở Mỹ sau nhiều năm hạn hán và thị trường thịt lợn suy yếu ở châu Âu.
Sau đó, thách thức lớn hơn là làm thế nào các công ty protein động vật tiếp tục tăng trưởng trong những thập kỷ tới, không chỉ đơn giản là năm tới.
Những thay đổi về cấu trúc trên thị trường, chẳng hạn như nâng cao nhận thức về phát thải carbon và cách tiếp cận chủ động để quản lý dịch bệnh, mang đến cơ hội cho các công ty có tư duy tiến bộ nhất đầu tư và phát triển thịnh vượng. Nói cách khác, bây giờ là thời điểm quyết định.”
Rabobank kỳ vọng các nhà sản xuất và chế biến protein động vật sẽ tăng cường cam kết giảm phát thải vào năm 2023. Điều này sẽ đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực như dữ liệu thông minh để giúp hoạt động và chuỗi cung ứng bền vững hơn.
Hầu hết doanh nghiệp thành công cũng đang tập trung vào các pháp chủ động hơn để quản lý rủi ro dịch bệnh, chẳng hạn như dịch tả heo Châu Phi và cúm gia cầm. Một số công nghệ được áp dụng như cảm biến có thể nhận ra các chuyển động bất thường của động vật và công nghệ dự đoán để hạn chế mất đàn.
Rabobank cho biết các công ty cũng đang đối phó với chi phí cao bằng cách thu nhỏ kích thước đóng gói. Tuy nhiên, các công ty cũng phải tính đến hành vi của người tiêu dùng trong môi trường suy thoái – chẳng hạn như chuyển sang các sản phẩm tiện lợi, như chả cá và xúc xích hoặc các sản phẩm rẻ hơn.
Tổng sản lượng protein động vật được dự báo tăng 1% trong năm 2023 lên 430 triệu tấn. Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng khoảng 2%.
Rabobank cũng dự đoán rằng nhu cầu cá hồi vẫn giữ ở mức cao, trong khi đó nguồn cung suy yếu giúp hỗ trợ giá mặt hàng này.
Mặt hàng thịt gà sẽ được hưởng lợi từ việc giá bán vừa túi tiền trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Ngược lại, người tiêu dùng có thể cắt giảm các loại thịt đắt tiền hơn, chẳng hạn như bít tết phi lê.
Rabobank cũng dự đoán nguồn cung tôm toàn cầu trong năm 2023 có thể sẽ duy trì ở mức cao, bất chấp giá thấp hơn và chi phí cao hơn. Điều này một phần là do nguồn cung từ Ecuador và Mỹ Latinh tăng cũng như sự trở lại của Trung Quốc với tư cách là nhà sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm.