Chỉ có 9% doanh nghiệp nông nghiệp lãi như kì vọng
|
Đầu tư vào nông nghiệp: Cơ chế 'mở", quy định 'đóng'
Đánh giá tại hội thảo "Các rào cản đối với kinh doanh đầu vào trung gian nông nghiệp" do Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức ngày 12/1, các chuyên gia cho rằng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gặp khá nhiều khó khăn thách thức.
Theo điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh PCI năm 2016 của VCCI, 48% doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang được hưởng các chính sách ưu đãi, 71 % doanh nghiệp có đủ các điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi.
Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng nông nghiệp đang là lĩnh vực được nhận nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có 1% các doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp.
Đặc biệt, trong số 685 doanh nghiệp tham gia khảo sát của VCCI, có 52% doanh nghiệp cho rằng đầu tư vào nông nghiệp lãi ít, 13% doanh nghiệp có rằng hòa vốn. Theo đó, có khoảng 450 doanh nghiệp có một chút lãi hoặc hòa vốn. 26% tương ứng với 180 doanh nghiệp đang thua lỗ và chỉ có 9% có lãi.
Một câu hỏi lớn đặt ra để giải quyết "nghịch lý" đầu tư này. Theo ông Tuấn, trên thực tế, nhận được khá nhiều ưu đãi nhưng tỉ lệ các doanh nghiệp nông nghiệp biết đến chính sách chưa cao chỉ khoảng 64%.
Ngoài ra vấn đề về vốn vay hay hạn điền cũng là những cản trở lớn với nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cần đầu tư dài hạn trong khi các khoản vay có thời hạn ngắn, lãi suất trung bình khoảng 7,1% một năm.
"Không chỉ là thiếu chính sách, biện pháp hỗ trợ mà còn gặp vấn đề về nền tảng, thể chế. Chẳng hạn như hiện tại, quyền tài sản chưa được đảm bảo. Doanh nghiệp sử dụng đất chưa thực sự yên tâm. Việc thay đổi quy hoạch đất nhiều lần khiến doanh nghiệp khó yên tâm để đầu tư dài hạn. Ví dụ như trồng rừng chuyện trồng rừng, tài sản cây trên rừng doanh nghiệp không được tự quyết định, đầu tư bao nhiêu năm nhưng đến khi bán lại bị hạn chế khống chế sẽ giảm động lực góp tiền vào đầu tư dài hạn", Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển nông nghiệp nông thôn, Nguyễn Đỗ Anh Tuấn phân tích.
Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam Trần Đình Long cho rằng Luật cho nông nghiệp "rộng" nhưng lại không đầy đủ. Lấy ví dụ cụ thể từ Luật trồng trọt, ông Long cho rằng Luật này quá rộng, bao gồm cả các vấn đề thủy lợi, vận chuyển... trong khi đó, cả thế giới có Luật giống cây trồng, Việt Nam cũng cần một luật về cây trồng chi tiết hơn, đi vào trọng tâm hơn nhưng lại chưa có.
Nâng cao hiệu quả đầu tư
Trước những rào cản, ông Trần Đình Long kiến nghị sửa đổi Luật như Luật trồng trọt thiết thực hơn với lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng: "Dù chính sách tốt, rào cản được tháo bỏ nhưng giá trị sản phẩm nông nghiệp phải cao lên mới có thể nâng cao hiệu quả đầu tư. Để giá trị cao lên phải nghĩ tới việc làm giống có giá trị cao. Nếu mãi đầu tư vào giống rẻ như rau muống thì bán cho ai, bao giờ có lãi".
Lấy ví dụ xí nghiệp giống Hà Nam đầu tư hơn 100 tỷ hiện đại nhất Đông Nam Á bây giờ, có giống tốt quy mô hiện đại đang theo xu hướng của thế giới là sản xuất cây giống con để bán là một hướng để các doanh nghiệp khác học hỏi. Hay lúa nên tập trung vào các giống có chất lượng cao, xuất khẩu tốt. Một ví dụ khác ông Long đưa ra, nếu tập trung vào ngô cho chăn nuôi sẽ lỗ lớn, chuyển sang ngô thành phẩm, ngô đen ngô đường lãi gấp 15 lần ngô thường.
Đặc biệt, theo ông Long, ngoài bảo hộ các giống mới Việt Nam nên bảo hộ giống bản địa của trước nguy cơ mai một.
"Muốn tăng thu nhập phải hiện đại hóa, phải có kĩ thuật, quản lý thị trường. Chính sách phải đi vào tổng thể, hỗ trợ được các khâu để đạt giá trị cao nhất cho nông nghiệp", ông Long bày tỏ.
Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng đặc biệt cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, giữa doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực cho lĩnh vực này phát triển.