Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày một nới rộng, đỉnh mới 70 triệu đồng/lượng có thể hình thành?
Lo lạm phát và chán nản với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư tìm đến vàng để trú ẩn
Trước đà tăng mạnh của giá vàng những ngày gần đây, trao đổi với người viết, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn chiến lược đầu tư tại Maybank Investment Bank nhận định vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay nhờ hưởng lợi từ nỗi lo lạm phát và các kênh đầu tư rủi ro khác như chứng khoán đang trong giai đoạn đi xuống.
Hiện tại, những người tham gia thị trường vàng thế giới đang quan ngại về vấn đề lạm phát leo thang. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 đã tăng 7% so với cùng kỳ 2020. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng 40 năm qua, gây áp lực lên Tổng thống Joe Biden và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong việc giải quyết các vấn đề đã trở thành mối đe dọa lớn nhất với nền kinh tế Mỹ.
Còn tại Châu Âu, tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức 5% trong tháng 12/2021, so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ khi cơ quan chức năng bắt đầu thu thập dữ liệu năm 1997.
"Thị trường vàng sẽ tiếp tục đi lên trong trung hạn. Trong khi các thị trường khác, đặc biệt là chứng khoán đi xuống, vàng lại có xu hướng bứt phá. Vàng sẽ là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh nỗi sợ lạm phát đang hiện hữu", ông Khánh nhận định.
Vị này cho rằng nếu giá vàng thế giới vượt được mốc 1.850/ounce thì khả năng cao sẽ quay về ngưỡng quan trọng 2.000 USD/ounce kéo giá vàng trong nước cũng sẽ tăng theo.
Tuy nhiên, theo ông Khánh giá vàng năm 2022 sẽ không tăng quá mạnh như chứng khoán, mức tăng trung bình cả năm khoảng 10%.
"Tôi cho rằng giá vàng năm 2022 có thể đạt mức đỉnh khoảng 70 triệu đồng/lượng. Hiện tại mặt hàng này cũng đang thiết lập một mặt bằng giá mới sau một năm "lình xình" quanh mốc 55 - 56 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chỉ nên coi đây là một kênh trú ẩn an toàn, tích sản thay vì là kênh đầu tư bởi giá vàng hai chiều mua - bán của Việt Nam đang rất lớn", ông Khánh nói.
Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ngày một nới rộng
Nhìn lại lần lập đỉnh hồi tháng 8/2020 khi giá vàng đạt 62,3 triệu đồng/lượng. Khi đó, giá vàng thế giới đạt trên 2.000 USD/ounce, tức khoảng 55 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa trong nước và thế giới là hơn 7 triệu đồng/lượng.
Thế nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi giá vàng thế giới mới chỉ gần 1.850 USD/ounce thì giá vàng trong nước đã dễ dàng xô đổ kỷ lục cũng. Mức chênh lệch trong nước và thế giới kéo doãng lên tới 11,6 triệu đồng/lượng.
Một điểm khá dễ nhận thấy trong thời gian qua, là giá vàng SJC thường phản ứng khá nhanh với các nhịp tăng của thị trường thế giới. Tuy nhiên, với các nhịp điều chỉnh, giá vàng trong nước vẫn duy trì đi ngang, đôi khi còn chuyển động ngược chiều.
Trong vòng 1 năm qua (từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022) giá vàng trong nước tăng khoảng 11% nhờ đà tăng của giá vàng thế giới (8%) trước những nỗi lo lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Cú rơi đầu tiên ghi nhận trong giai đoạn 27/12/2020 - 28/2/2021 khi giá vàng giảm 12% từ mốc 1904/ounce còn hơn 1.700 USD/ounce.
Cú rơi thứ hai diễn ra giai đoạn cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, từ mức 1.900 USD/ounce xuống chỉ còn khoảng 1.766 USD/ounce.
Trong một năm qua, thị trường vàng thế giới chứng kiến hai lần giá lao dốc nhưng giá vàng trong nước dường như không "hề hấn", thậm chí có lúc biến biến động ngược chiều.
Thế nhưng giá vàng trong nước ở cải 2 giai đoạn này dường như không chịu tác động quá lớn, gần như đi ngang trong khoảng 55 - 56 triệu đồng/lượng (lần 1) và 56-57 triệu đồng/lượng lần 2.
Điều này khiến cho khoảng cách giá giữa hai thị trường ngày càng được doãng rộng.
Giải thích về điều này, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết một phần nguyên nhân là do truyền thống thích tích tài sản dưới dạng vàng của người dân Việt Nam.
Điều này khiến thị trường vàng trong nước thường rất nhạy cảm với chuyển động của thị trường thế giới, thậm chí, trong chừng mực nào đó, mức độ biến động còn cao hơn thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, do Ngân hàng Nhà nước độc quyền về xuất nhập khẩu vàng miếng nên phản ứng của thị trường vàng trong nước phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất và nhập khẩu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường khá lớn.