|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Á bùng nổ các dự án truy xuất nguồn gốc hàng hóa

17:07 | 15/04/2019
Chia sẻ
Châu Á đang lan nhanh các chương trình truy xuất nguồn gốc hàng hóa, khi các nước dựa vào xuất khẩu nỗ lực chống vấn nạn phá rừng và tham nhũng, theo báo Nikkei Asian Review

Cao su tự nhiên được sản xuất nhiều ở Trung Quốc và Đông Nam Á, với Thái Lan và Indonesia chiếm 60% sản lượng thế giới.

Trang báo Nhật nói các nước sản xuất và các công ty cao su đang chịu sức ép phải bảo vệ môi trường ngày càng tăng, khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng đánh giá cao các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Ví dụ công ty giao dịch Itochu (Nhật Bản) đã mua 19% cổ phần của HeveaConnect, một công ty Singapore điều hành một thị trường cao su tự nhiên bền vững dùng để sản xuất lốp xe.

HeveaConnect đảm bảo tính minh bạch của hệ thống phân phối, vì công ty chỉ mua cao su từ các nhà máy được công nhận là có các hoạt động và nguồn cung ứng bền vững. Các nhà máy được kiểm toán dựa trên hệ thống 900 điểm nghiêm ngặt lập bởi một tổ chức chứng nhận độc lập, được quốc tế công nhận.

Các cuộc kiểm toán có tính đến các tiêu chí cụ thể, như điểm chuẩn hiệu suất cao trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm về các tính chất chính của cao su tự nhiên. Về trách nhiệm xã hội, các công ty phải xem xét các hoạt động và tác động môi trường của họ hai lần/năm, và đồng ý với một danh sách kiểm tra gồm 167 câu hỏi về quyền con người, thực hành lao động, thực hành công bằng và đầu tư xã hội.

Itochu đã lập  một liên minh vốn với HeveaConnect, bằng cách bảo lãnh phát hành cổ phiếu mới - phát hành bởi một công ty con của Halcyon Agri, một nhà sản xuất cao su có trụ sở tại Singapore- với giá 2,2 triệu USD.

HeveaConnect vận hành thị trường chỉ xử lý cao su tự nhiên từ các nhà máy được quản lý đúng cách. Thị trường đầu tiên này giúp  HaveaConnect sẽ cho phép các nhà sản xuất lốp xe nhanh chóng truy xuất nguồn gốc cao su.

Châu Á bùng nổ các dự án truy xuất nguồn gốc hàng hóa - Ảnh 1.

Nông dân cạo mủ cao su ở Malaysia - Ảnh : Nikkei

 

Hồi tháng 9/2018,  tập đoàn Sustain  gồm các nhà trồng cọ, nhà xử lý dầu cọ và các nhà sản xuất hàng tiêu dùng đã cùng nhau giải quyết vấn đề bền vững, theo một sáng kiến của Apical Group, nhà xuất khẩu dầu cọ có trụ sở tại Singapore cũng sản xuất dầu cọ tại Indonesia.

Chủ tịch Yeo How của Apical Group nói: Sustain muốn cổ động hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, bằng cách tận dụng công nghệ để giải quyết các thách thức chung trong chuỗi cung ứng”.

Dầu cọ được sử dụng trong nhiều sản phẩm, gồm mì ăn liền và dầu gội. Ngành công nghiệp này đã bị chỉ trích nặng nề vì liên quan khai thác môi trường quá mức và nạn phá rừng. Nhu cầu ngày càng tăng đối với việc làm cho chuỗi cung ứng trở nên minh bạch hơn và tăng áp lực đối với những người nông dân không chịu trách nhiệm xã hội.

Ông Bremen Yong, chủ tịch Sustain, nói Sustain cung cấp các phương tiện để các công ty dầu cọ đạt được các mục tiêu và cam kết hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn, thông qua việc tạo ra sự hợp tác giữa các công ty có cùng chí hướng. Từ năm 2020, Sustain có kế hoạch bắt đầu một giai đoạn mới, trong đó sẽ giám sát việc tuân thủ chính sách nghiêm ngặt là không phá rừng, không khai thác và không phá hủy than bùn.

Công ty Kao -trụ sở tại Nhật Bản- là nhà sản xuất hàng tiêu dùng đầu tiên tham gia sáng kiến trên. Ông Takashi Matsuse, phó chủ tịch kế hoạch mua sắm toàn cầu cho biết: “Cách chúng ta thiết lập truy xuất nguồn gốc cho các trang trại là một thách thức lớn mà toàn ngành đang phải đối mặt. Kao muốn đóng góp cho việc cung cấp dầu cọ bền vững bằng cách tham gia xây dựng cơ chế truy xuất nguồn gốc”.

Châu Á bùng nổ các dự án truy xuất nguồn gốc hàng hóa - Ảnh 2.

Nông dân trồng dầu cọ ở Indonesia - Ảnh : Nikkei


Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu hàng hóa tài chính hàng năm tổ chức tại Lausanne ( Thụy Sĩ) vào tháng 3, Fredrik Reinfeldt, chủ tịch của Sáng kiến minh bạch các ngành công nghiệp khai thác (EITI) kêu gọi các nhà sản xuất tài nguyên thực hiện giao dịch hàng hóa minh bạch hơn.

EITI (lập năm 2003) là khuôn khổ đa quốc gia nhằm tăng cường tính minh bạch của dòng tiền từ các ngành khai thác, gồm dầu, khí đốt và kim loại, cho đến chính phủ của các quốc gia nơi nguồn tài nguyên này bắt nguồn.

EITI có sự hỗ trợ từ 16 quốc gia. Kể từ khi bắt đầu theo dõi cách các quỹ chảy từ các công ty tham gia phát triển và kinh doanh tài nguyên thiên nhiên sang các nước xuất khẩu, EITI đã thiết lập một mạng lưới quốc tế gồm các quốc gia sản xuất và sản xuất tài nguyên và các công ty tài nguyên lớn.

EITI tìm cách tiết lộ thuế, tiền bản quyền và các khoản thanh toán khác được thực hiện bởi các công ty cho các chính phủ. Bất kỳ sự bất thường nào cũng gợi ý có sử gian lận trong sử dụng tiền.

Tại hội nghị thượng đỉnh nói trên, ông James Nicholson của Trafigura Group (công ty thương mại hàng hóa đa quốc gia có trụ sở tại Geneva) nhấn mạnh tham nhũng phải được xóa bỏ khỏi giao dịch hàng hóa.

Trafigura và các đồng nghiệp gồm cả công ty khai thác Glencore của Anh-Thụy Sĩ, là những người tham gia EITI và đã cam kết tiết lộ các khoản thanh toán của họ cho chính phủ.

Tô Mỹ