|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

ChatGPT trở thành thế lực mới trong giới công nghệ nhưng đây mới thực sự là ông lớn đứng sau

12:32 | 30/01/2023
Chia sẻ
Để tạo ra trải nghiệm người dùng, ChatGPT của OpenAI đòi hỏi phải có một năng lực xử lý khổng lồ.

Khả năng xử lý khổng lồ

Đối với người dùng bình thường, ChatGPT được sử dụng để tự động viết một bài thơ haiku (Nhật Bản), một bài luận về cuộc Cách mạng Mỹ hay công thức chế biến món thịt hầm,… với một giao diện chat tưởng chừng như đơn giản.

Tuy nhiên, phía sau màn hình, đó là cả một khối lượng lớn công việc đang diễn ra, theo Bloomberg. Chatbot ChatGPT của OpenAI yêu cầu nhiều sức mạnh tính toán hơn để trả lời một câu hỏi so với Google cần để trả về một kết quả tìm kiếm trên website. 

 Khả năng xử lý phức tạp phía sau củaChatGPT. (Hình minh hoạ: Bloomberg).

ChatGPT của OpenAI - một công ty khởi nghiệp, đang có đà khởi động rất tốt, tạo ra cảm hứng về một thế giới mà ở đó những phần mềm trí tuệ nhân tạo sẽ đảm nhiệm những công việc mà hiện tại chỉ có con người mới có thể thực hiện được. 

Nhưng ngay cả khi điều này thành hiện thực, và OpenAI đang dẫn đầu xu hướng thì việc đạt được kết quả lại nằm ngoài khả năng của một công ty khởi nghiệp trung bình, vừa chân ướt chân ráo bước vào cuộc chơi.

Kể từ khi OpenAI giới thiệu ChatGPT vào tháng 11 năm ngoái, nó đã trải qua rất nhiều những rào cản kỹ thuật. Dịch vụ thường xuyên bị ngắt kết nối mà lý do theo OpenAI là bắt nguồn từ hiện tượng ChatGPT đột ngột nhận được một lượng lớn người dùng truy cập.

Đây là trở ngại kỹ thuật đầu tiên mà công ty cần vượt qua trước tiên, thay vì sức mạnh tính toán cần thiết để chạt các mô hình AI của nó. Đôi lúc, ChatGPT cũng cung cấp thông tin không chính xác, không có đủ dữ liệu để trả lời các câu hỏi,… Đây đều là những vấn đề mà bản thân ChatGPT và các đối thủ cạnh tranh phải vật lộn trong nhiều năm nữa.

Ngoài ra, khi các công ty khởi nghiệp như OpenAI tìm kiếm lợi nhuận, họ có thể sẽ phải tính phí cho ChatGPT vốn đang được miễn phí. Chi phí điện toán cũng ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển dịch vụ sản phẩm AI của các công ty này.

Tiêu tốn hàng triệu đô la

Đầu năm nay, tập đoàn Microsoft đã công bố khoản đầu tư dài hạn vào OpenAI. Nguồn tin của Bloomberg cho biết ước tính khoản đầu tư không được công khai này trị giá 10 tỷ USD. Phần lớn giá trị của bản hợp đồng nằm ở việc Mirosoft cho phép OpenAI khai thác truy cập vào sức mạnh tính toán trên điện toán đám mây Microsoft Azure của họ.

Các hệ thống AI dùng chung tương tự khác cũng tìm cách liên kết với các công ty điện toán đám mây lớn, ngay cả khi họ có thể xây dựng được mô hình hoạt động độc lập.

 Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI. (Ảnh: Getty).

Clement Delangue, Giám đốc điều hành Hugging Face Inc., doanh nghiệp sở hữu kho lưu trữ các mô hình AI nguồn mở phổ biến với các công ty khởi nghiệp, cho biết ngành này có nguy cơ “rửa tiền trên nền tảng đám mây”. Thuật ngữ này mô tả những gì xảy ra khi các công ty khởi nghiệp có đủ tiền và sức mạnh tính toán được trợ cấp để có thể không cần quan tâm đến các đánh giá kỹ thuật nhất định xem vấn đề cụ thể có được giải quyết hợp lý hay không.

Ông cho rằng động lực này nên tránh bởi vì nó sẽ tạo ra các mô hình phát triển máy học không bền vững. Một điều rõ ràng rằng những hệ thống này cần rất nhiều tiền. Bước đầu để xây dựng một hệ thống là thu thập lượng dữ liệu khổng lồ như văn bản, hình ảnh hoặc tác phẩm nghệ thuật từ khắp nơi trên internet. Sau đó, dữ liệu này được dùng để huấn luyện AI.

Rowan Curran, một nhà phân tích tại Forrester Research, cho biết đối với các mô hình lớn, quy trình này tiêu tốn hàng triệu đô la, chưa kể đến tiền lương phải trả cho các kỹ sư chuyên ngành, chẳng hạn như các chuyên gia ngôn ngữ.

Hệ thống được xây dựng trên càng nhiều dữ liệu thì càng cần nhiều sức mạnh tính toán để trả lời một truy vấn. Mỗi câu hỏi mới mà người dùng nhập vào phải chạy qua một mô hình bao gồm hàng chục tỷ tham số hoặc biến số mà hệ thống AI đã học được thông qua quá trình đào tạo và đào tạo lại.

Hệ thống GPT-3 mà ChatGPT được xây dựng trên đó sử dụng 175 tỷ tham số, giúp mở rộng tính linh hoạt của nó đồng thời khiến nó đặc biệt ngốn điện. Delangue cho biết nhiều mẫu phổ biến nhất trên Hugging Face có khoảng 10 tỷ thông số.

Tháng 12 năm ngoái, CEO OpenAI Sam Altman đã tweet rằng chi phí trung bình cho mỗi lần truy vấn của ChatGPT tương đương “một xu một chữ”. Theo Morgan Stanley, con số này gấp khoảng bảy lần chi phí trung bình của một truy vấn tìm kiếm trên Google và nó có thể tăng lên nhanh chóng khi quy mô của hệ thống tăng.

Người phát ngôn của OpenAI cho biết họ đang đạt được tiến bộ trong việc cải thiện hiệu quả và tiếp tục tìm kiếm sự cân bằng giữa việc phân phối công nghệ của mình một cách rộng rãi nhất có thể và tìm ra con đường dẫn đến khả năng thương mại.

“Cuộc chiến uỷ nhiệm” giữa các nền tảng đám mây

Bởi các vấn đề trên, nên các công ty điện toán đám mây lớn rất háo hức được làm việc với các công ty khởi nghiệp AI đang khao khát sức mạnh tính toán, một phần vì họ có tiềm năng trở thành khách hàng lâu dài. 

Đơn vị đám mây của Amazon vào tháng 11 đã công bố mối quan hệ hợp tác với Stability AI. Google có một hệ thống giống như ChatGPT có tên là Lamda mà họ chưa phát hành công khai.

Ngoài ra, theo Wall Street Journal, Google cũng đã đàm phán để đầu tư 200 triệu USD vào Cohere, một công ty khởi nghiệp AI tạo ra ngôn ngữ mà các nhà phát triển phần mềm có thể sử dụng cho những thứ chẳng hạn như chatbot. 

“Có một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm đang diễn ra giữa các công ty điện toán đám mây lớn”, Matt McIlwain, Giám đốc điều hành Madrona Venture Group LLC ở Seattle, chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo, nói. “Họ thực sự là những người duy nhất có đủ khả năng để xây dựng những điều thực sự lớn lao với hàng tỷ thông số”.

Chí Dũng