|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chật vật hoàn thuế thu nhập cá nhân

06:44 | 04/06/2024
Chia sẻ
Thủ tục, chứng từ hoàn thuế thu nhập cá nhân phức tạp, khiến không ít người định bỏ số tiền nộp thừa hoặc mất phí thuê dịch vụ hỗ trợ để được hoàn.

Ông Trần Thái Hà (Hà Nội) có thu nhập thường xuyên ở một công ty viễn thông và khoản thu khác từ các dự án nhận thêm bên ngoài. Các dự án này làm theo mùa vụ, nên việc tổng hợp thu nhập, số thuế tạm khấu trừ và các giấy tờ liên quan... khá mất thời gian.

"Năm ngoái, tôi từng bị truy thu, phạt do nộp thiếu", ông kể. Rút kinh nghiệm năm nay, ông Hà thuê dịch vụ kế toán tư vấn về thủ tục, giấy tờ gửi cơ quan thuế, với chi phí 2 triệu đồng.

Hoàn thuế thu nhập cá nhân là khi người dân được trả lại phần nộp thừa trong năm, hoặc có thu nhập tính thuế chưa đến ngưỡng phải nộp. Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, cá nhân không có người phụ thuộc, thu nhập dưới 132 triệu đồng một năm có thể làm thủ tục để hoàn phần nộp dư. Với mỗi người phụ thuộc (bố mẹ, vợ con, anh chị) phần thu nhập được khấu trừ thêm 52,8 triệu đồng một năm.

Những người có từ 2 nguồn thu nhập trở lên như ông Hà, họ phải trực tiếp làm thủ tục quyết toán, hoàn thuế. Khi đó, họ tự tổng hợp chứng từ khấu trừ để nộp kèm hồ sơ. Không hiếm trường hợp quay lại đơn vị trả thu nhập xin chứng từ, họ bị gây khó dễ, mất nhiều thời gian xử lý.

Chị Trần Tuyết Minh (Hà Nội) có khoản thu ở hai công ty, nhưng chỉ xin được chứng từ ở một nơi. Khi làm hồ sơ, chị Minh kê khai thu nhập và bị cơ quan thuế từ chối do số tiền trên tờ khai không khớp.

"Tôi sẽ cố xin chứng từ xác nhận của công ty còn lại, nếu họ không hợp tác thì đành bỏ phần thu nhập này", chị Minh nói.

Thực tế, khoản thu nhập vãng lai dưới 10 triệu đồng một tháng có thể không quyết toán, dù đã khấu trừ 10%. Nhưng chọn cách này, chị Minh sẽ chịu thiệt, do đã bị thu thuế khoản thu nhập trên.

Chị Nguyễn Huế, một tư vấn viên dịch vụ kế toán, cho hay tiêu chí quan trọng nhất khi hoàn thuế cá nhân là đủ chứng từ, hồ sơ. Nhiều trường hợp làm thất lạc giấy tờ khấu trừ, đồng nghĩa họ mất luôn tiền hoàn.

Thời gian chờ để nhận được hoàn thuế khoảng 6-40 ngày. Tuy nhiên, đa phần việc này kéo dài, mất nhiều thời gian, phần lớn vì thiếu chứng từ, phải làm lại nhiều lần.

Chị Huế lưu ý khi có đủ chứng từ, người dân cũng cần xác định cơ quan thuế nộp hồ sơ. "Đây cũng là bước quan trọng bởi nộp sai cơ quan thuế, sẽ phải xin hủy hồ sơ mới có thể nộp lại nơi khác. Thời gian chờ đợi vì thế lâu hơn, mất vài tháng, thậm chí cả năm", chị nói.

Người dân tải ứng dụng eTax của Tổng cục Thuế, để tra cứu thông tin nộp, hoàn thuế. (Ảnh: Phương Dung).

Ngoài chứng từ, người nộp còn gặp khó khi họ có 2 mã số thuế, buộc phải đóng 1 nếu muốn hoàn thuế. Chị Nguyễn Nga (Hà Nội) có mã đăng ký bằng chứng minh thư 9 số từ khi làm ở công ty đầu tiên vào năm 2010. Nhưng mới đây, chị phát hiện có thêm một mã số thứ hai, được cấp theo căn cước công dân. Cả hai mã này đang hoạt động, do Cục Thuế Hà Nội quản lý.

"Tôi không hề đăng ký mã thứ hai nhưng "bỗng dưng" lại có tới hai mã", chị Nga nói, thêm rằng cán bộ thuế giải thích mã mới do một công ty khác kê khai, cấp theo căn cước công dân mà chị đổi vào năm 2016.

"Bên thuế hướng dẫn làm giải trình, xin hủy mã số thuế, nhưng mẫu công văn không có sẵn, tôi phải tự tìm hiểu, vào các hội, nhóm về thuế để xin tư vấn. Việc này làm mất rất nhiều thời gian, phiền phức", chị nói.

Tương tự, chị Bùi Hiền (Hà Nội) cũng có hai mã số thuế. Mã thứ hai bị sai số chứng minh thư, nên chị khá chật vật khi xin hủy. Chị không thể tự hủy mã này trên eTax - ứng dụng do Tổng cục Thuế quản lý. Lý do, số điện thoại đăng ký truy cập vào phần mềm đã được dùng cho mã bị sai.

Thông thường, thời gian chờ hủy mã thuế là 3 ngày, từ thời điểm cơ quan quản lý nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ thiếu, không hợp lệ sẽ phải bổ sung, việc hủy này kéo dài hơn. Như trường hợp chị Hiền, chị phải trực tiếp tới cơ quan thuế đăng ký thay đổi số điện thoại, rồi đóng mã số thuế sai. Xong các bước này, chị mới được kê khai, xin hoàn thuế.

Rắc rối hơn, chị Minh Vy (Hà Nội) đã hủy mã số "thừa", nhưng năm ngoái một công ty đối tác vẫn kê khai thu nhập theo mã này. Phía kế toán doanh nghiệp không điều chỉnh, họ chỉ cấp thư xác nhận thu nhập, khiến chị Vy gặp khó khi kê khai và nhiều khả năng không được hoàn thuế.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết việc cá nhân có nhiều mã số thuế là do họ sử dụng giấy tờ tùy thân có mã số khác với bản khai trước đó.

Tuy nhiên, từ tháng 1 nhà chức trách đã hướng dẫn người dân cách đóng, hủy và cập nhật lại thông tin mã thuế. Việc này có thể thực hiện qua nhiều kênh như cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng eTax Mobile, nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc qua bưu điện.

Cùng đó, người nộp vẫn có thể nộp thuế chuyển nhượng đất đai, mua xe... qua hệ thống quản lý ngay cả khi có nhiều mã số. Lãnh đạo Tổng cục thuế cho rằng tới đây tình trạng cá nhân có nhiều mã số thuế sẽ không còn, khi nhà chức trách tích hợp vào mã định danh. Tức là, mã số định danh cá nhân sẽ là mã duy nhất thực hiện các giao dịch về thuế, quản lý thông tin cá nhân.

Sau vài năm làm dịch vụ tư vấn, anh Nhất Phát (Hà Nội) lưu ý một số lỗi người nộp thường mắc. Trong đó, nhiều người quên cập nhật lại thông tin khi họ thay đổi nơi ở, làm lại căn cước công dân.

Cũng có trường hợp người nộp không kiểm tra kỹ thông tin cá nhân, đối chiếu số tiền thực tế với chứng từ, hoặc bản thân còn nợ các khoản phí, lệ phí (môn bài, nhà đất, trước bạ...). Những sơ suất này, dù nhỏ, nhưng theo anh Phát có thể khiến người nộp gặp khó khăn trong khâu quyết toán, hoàn thuế.

Đơn vị tư vấn cũng lưu ý, danh sách người phụ thuộc (bố mẹ, vợ chồng, con cái...) cần được nộp trước hồ sơ xin hoàn, để giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Phương Dung