|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch sân bay Vân Đồn thành Cảng hàng không quốc tế

07:56 | 09/02/2017
Chia sẻ
Bộ Giao thông Vận tải được giao hoàn tất các thủ tục điều chỉnh quy hoạch sân bay Vân Đồn thành Cảng hàng không quốc tế, trình Thủ tướng phê duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND tỉnh giao, cho thuê đất để thực hiện dự án.

Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mới đây, việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Vân Đồn thành cảng hàng không quốc tế được chấp thuận về chủ trương.

Bộ Giao thông Vận tải được giao hoàn tất các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, trình Thủ tướng phê duyệt; UBND tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh đầu tư, sớm đưa cảng hàng không Vân Đồn vào khai thác.

Việc giao đất trực tiếp cho nhà đầu tư BOT Cảng hàng không Vân Đồn cũng được đồng ý về chủ trương. Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ hướng dẫn UBND tỉnh giao, cho thuê đất để thực hiện dự án.

Trước đó, dự án sân bay Vân Đồn được phê duyệt là cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế, dùng chung dân sự và quân sự. Dự án xây dựng trên diện tích đất khoảng 290ha thuộc địa bàn xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn với quy mô một đường cất hạ cánh, sân bay đỗ máy bay cho tối thiểu 4 chiếc Boeing 777 lẫn Airbus 321. Tổng mức đầu tư xây dựng gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng là 7.500 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Sân bay này đã khởi công trong năm 2015.

thu tuong chap thuan chu truong dieu chinh quy hoach san bay van don thanh cang hang khong quoc te
Mô hình thiết kế sân bay Vân Đồn đã được phê duyệt. (Ảnh minh họa: Công an nhân dân)

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn đồng ý về việc thành lập Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn; xây dựng Luật Khu hành chính – kinh tế đặc biệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng dự án Luật, báo cáo Chính phủ tại phiên họp tháng 5/2017.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần lưu ý một số công tác trọng tâm như thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành công nghiệp, dịch vụ có tiềm năng, lợi thế (du lịch, nông nghiệp công nghệ cao).

Tỉnh phải tạo thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thủ công nghiệp cũng như các làng nghề truyền thống. Mục tiêu là đến năm 2020 đạt tối thiểu 25 nghìn doanh nghiệp, tăng gấp đôi so với hiện nay.

Quảng Ninh cũng cần đẩy mạnh liên kết phát triển, phấn đấu trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế của cả vùng. Tỉnh cần tiếp tục những giải pháp đồng bộ về phát triển các lĩnh vực, các ngành kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Các dự án, công trình trọng điểm là động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh phải tập trung hoàn thành. Địa phương phải tận dụng lợi thế về kinh tế cửa khẩu, biên giới, giao thương với Trung Quốc cả chính ngạch và tiểu ngạch; khai thác tốt những cơ chế hợp tác hiện có; phối hợp và có cơ chế khuyến khích mở rộng giao thương với các địa phương nước bạn…

Linh Lê